Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nhân viên môi giới bất động sản là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, nhưng nếu ổn định được lực lượng này sẽ mang lại sức bật tốt cho doanh nghiệp sau dịch.
“Giật gấu” không đủ “vá vai”
Còn nhớ thời điểm cuối năm 2020, trong khi các khu vực khác vẫn im lìm vì chịu tác động bởi dịch Covid-19 thì khu Đông TP.HCM lại sôi động khi TP.Thủ Đức chính thức được thành lập. Các công ty, văn phòng môi giới tấp nập người ra vào, nhân viên kinh doanh cũng chạy đôn chạy đáo khắp nơi để đón khách, giá nhà đất nhiều khu vực tăng từ 20-40%.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cảnh nhà đầu tư hay môi giới dẫn khách đi xem đất cũng thưa dần. Anh Hòa, một nhân viên môi giới tại khu vực này chia sẻ, tình cảnh ế ẩm đã diễn ra hơn một tháng nay, khách không đi xem đất được nên không phát sinh giao dịch. Anh đã sử dụng các công cụ tiếp cận khách hàng qua online như quảng cáo facebook, google, đăng tin ưu tiên trên các diễn đàn…, nhưng tình hình cũng không khả quan hơn.
“Trước đó, có những ngày tôi bán liền vài lô đất cho các khách hàng đến từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận, nhưng từ khi dịch bệnh quay trở lại, việc bán hàng chững hẳn, nhiều khách đã hủy cọc không mua, cho dù đã hết sức thuyết phục”, nhân viên môi giới này chia sẻ.
Không chỉ môi giới cá nhân, nhiều công ty môi giới bất động sản cũng đang trong tình trạng “giật gấu” không đủ “vá vai”. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận Bình Thạnh cho hay, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi nên công ty đã cắt giảm nhiều nhân sự, đồng thời trả lại một số mặt bằng thuê tại khu vực trung tâm TP.Thủ Đức để giảm gánh nặng chi phí.
“Nếu dịch bệnh kéo dài, có thể một số nhân viên môi giới phải chuyển nghề khác để mưu sinh. Chúng tôi đang tính tiếp tục cắt giảm nhân sự do các buổi ra mắt, mở bán sản phẩm bất động sản phải tạm dừng. Dịch bệnh gần 2 năm qua khiến dòng tiền luân chuyển trên thị trường tài chính giảm mạnh, người mua cố thủ và có tâm lý e ngại khi xuống tiền mua bất động sản”, vị giám đốc này nói.
Tuong tự, lãnh đạo một công ty môi giới khác có văn phòng tại quận Phú Nhuận cũng cho biết, công ty đã phải dừng các chương trình, sự kiện mở bán dự án mới do tâm lý khách hàng ngại tiếp xúc trực tiếp hoặc đến chỗ đông người khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
“Nếu như trước đây mỗi khi có dự án mới là công ty thường tổ chức nhiều chuyến đi tham quan thực tế nhà mẫu hay dự án vào cuối tuần, mỗi chuyến có tối thiểu trên 50 khách, nhưng hiện tại thì khó có thể tổ chức được như vậy”, vị lãnh đạo này cho biết và thông tin thêm rằng, không chỉ công ty ông, mà nhiều sàn môi giới bất động sản khác phải hoạt động cầm chừng, nhân viên chuyển nghề hoặc làm thêm việc khác mới có thu nhập.
“Ông lớn” tích cực tuyển quân
Trong khi các công ty môi giới bất động sản nhỏ phải hoạt động cầm chừng thì những “ông lớn” lĩnh vực này vẫn đang tích cực “tuyển quân” để chuẩn bị cho kế hoạch bán hàng 6 tháng cuối năm.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holding vừa phát đi thông báo tăng lương cho nhân viên môi giới từ mức 5 triệu đồng/tháng lên 6 triệu đồng/tháng nhằm tăng thu hút đội ngũ này. Tập đoàn Trần Anh Group ra bố cáo tuyển hàng trăm nhân viên môi giới địa ốc cho các sàn giao dịch bất động sản tại TP.HCM.
Tập đoàn Novaland cũng là cái tên được nhắc tới khi liên tục tuyển nhân sự môi giới địa ốc cho các sàn giao dịch tại TP.HCM, Đồng Nai. Ngoài ra, các doanh nghiệp có lượng nhân viên môi giới lớn khác như DKRA Vietnam, DKRH, Tập đoàn Thắng Lợi,Tập đoàn Hưng Thịnh… cũng phát đi thông báo tuyển nhân sự môi giới để tăng cường nhân sự cho công tác bán hàng trong nửa cuối năm.
Chia sẻ về kế hoạch tuyển nhân sự, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi (Tập đoàn Thắng Lợi) cho biết, Tập đoàn đang mở bán dự án quy mô 130 ha tại Long An. Với số lượng sản phẩm lớn như hiện nay, việc duy trì đội ngũ nhân sự môi giới đông đảo là vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, việc ổn định được thu nhập, giữ chân nhân viên môi giới được Ban lãnh đạo Tập đoàn đặt lên hàng đầu.
“So với năm trước, lượng sản phẩm chuẩn bị bán ra trong năm nay lớn hơn nhiều, nên việc tăng cường lực lượng môi giới là yêu cầu bắt buộc. Bên cạnh đó, việc tăng nhân sự mùa dịch cũng là giải pháp tránh tác động xấu tới doanh nghiệp cũng như thị trường sau khi dịch được kiểm soát”, ông Quyền nói.
Ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Trần Anh Group cũng cho hay, hiện Công ty đang triển khai bán hàng tại 5 dự án bất động sản, chủ yếu tại tỉnh Long An và Bình Dương, dự kiến trong quý III/2021 sẽ ra mắt dự án mới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nên rất cần đội ngũ nhân viên môi giới ổn định. Đây cũng là lý do Công ty tuyển thêm nhân sự môi giới chứ không cắt giảm, dù cơ bản trước mắt các môi giới vẫn... ngồi chơi.
Theo ông Thiện, hiện là thời điểm khó khăn cho doanh nghiệp địa ốc có mảng kinh doanh môi giới. Nếu như trước kia, lực lượng môi giới đông đảo vừa giúp đẩy nhanh công tác bán hàng, vừa chứng tỏ quy mô của doanh nghiệp, thì nay trở thành gánh nặng bởi chi phí cho lực lượng này rất lớn, nếu không có nền tảng tài chính vững mạnh sẽ dễ “hụt hơi”.
“Không thể vì khó khăn trước mắt mà cắt giảm mạnh nhân sự mảng này, bởi sau khi thị trường hồi phục thì đây sẽ là đội quân tiên phong giúp vực dậy doanh nghiệp. Thêm vào đó, Việt Nam có kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh và Chính phủ cũng đang nỗ lực nhập khẩu vắc-xin để tiêm ngừa cho toàn dân. Do đó, việc duy trì ổn định mảng môi giới sẽ giúp doanh nghiệp có sức bật tốt sau khi dịch được kiểm soát”, ông Thiện nói.