Bày tỏ sự lo ngại về sự tái xuất hiện của các điều kiện kinh doanh mới, các chuyên gia cho rằng các điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều và doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh.
Lo ngại sự tái xuất hiện của các điều kiện kinh doanh mới
Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2023 do VCCI vừa công bố cho thấy, Chính phủ luôn thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó chú trọng đến các hoạt động về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định kinh doanh để giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa. Thủ tục hành chính từng bước được cải thiện và thuận lợi hơn rất nhiều, đặc biệt là một số lượng lớn thủ tục đã chuyển sang thực hiện trên môi trường điện tử.
Lo ngại sự tái xuất hiện của các điều kiện kinh doanh mới. |
Thông thường, để môi trường kinh doanh thuận lợi, cần thực hiện song song: rà soát, cắt giảm đơn giản hóa các quy định kinh doanh hiện có và kiểm soát việc ban hành các quy định kinh doanh mới.
Theo quan sát, trong các đợt cải cách, các Bộ, ngành chú trọng tới hoạt động rà soát các quy định hiện hành nhằm đạt được các mục tiêu của Chính phủ đặt ra, còn hoạt động kiểm soát các quy định kinh doanh bất hợp lý đang, sẽ sửa đổi dường như ít được xem xét hơn.
Chính vì vậy, có một nghịch lý, mặc dù hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang thúc đẩy, nhưng khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật mới, sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành, các quy định bất hợp lý, gây vướng cho doanh nghiệp lại xuất hiện. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh.
>>Siết chặt điều kiện kinh doanh khí để chống gas lậu, giảm cháy nổ ?
Chẳng hạn theo quy định tại Luật Quy hoạch, một số quy định liên quan quy hoạch ngành đã bị bãi bỏ. Nhưng gần đây, trong các chính sách dự kiến ban hành, đang có đề xuất khôi phục lại các quy định có tính chất quy hoạch ngành như quy hoạch về cơ sở đào tạo lái xe ô tô và trung tâm sát hạch lái xe, quy hoạch về việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số chính sách hiện đã không còn phù hợp và cần phải có những thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số vấn đề chưa thống nhất trong quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Lấy một ví dụ điển hình như chính sách quản lý xăng dầu. Theo Chủ tịch VCCI, Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập…Bên cạnh đó, đối với thủ tục pháp lý trong quản lý giá xăng dầu, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá.
“Các chính sách quản lý này đã làm giảm khá nhiều sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến doanh nghiệp khi có những biến động trên thị trường”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
>>Cần cắt giảm hơn nữa điều kiện kinh doanh thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng
Số lượng các điều kiện kinh doanh còn nhiều
Là người gắn bó nhiều năm với việc cải thiện môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay số lượng điều kiện kinh doanh vẫn còn nhiều.
“Những điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý Nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng chi phí và rủi ro, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh; tạo dư địa tham nhũng,… gây tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế”, bà Thảo nói.
Số lượng các điều kiện kinh doanh cũng còn nhiều. |
Lấy ví dụ cụ thể về các quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy đã được ban hành nhiều năm qua, bà Thảo nói rằng các quy định này không có sự thay đổi lớn trong vài năm trở lại đây.
“Vấn đề phòng cháy chữa cháy đã nổi cộm từ năm 2020, song kéo dài dai dẳng. Bộ Xây dựng lúc nào cũng bảo chúng tôi đang sửa, Bộ Công an cũng bảo chúng tôi sẽ sửa. Trong khi đã gần 4 năm, vẫn đang trong giai đoạn dự thảo. Do đó, cần phải đẩy nhanh hơn và tôi cho rằng đây mới là điều quan trọng.
Mặc dù, Bộ Xây dựng, Bộ Công an cũng đã có tiếp thu, cũng có những giải pháp kịp thời, nhưng tôi nghĩ rằng tiến trình này cần phải được đẩy mạnh hơn. Đó mới là sự trông chờ nhiều hơn, kỳ vọng nhiều hơn”, bà Thảo cho biết.
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến 2023 là 2.770 quy định tại 224 văn bản quy phạm pháp luật trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh được cập nhật, công khai trên Cổng Tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Tuy nhiên, khi nghiên cứu, rà soát nhận thấy rằng trong số này, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, số lượng quy định được coi là “cắt giảm, đơn giản hóa” chủ yếu tổng hợp theo báo cáo hành chính, chưa có đánh giá về chất lượng cải cách. Do đó, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp trên thực tế chưa thực sự được cắt giảm.
“Có thể nói từ năm 2019, nhất là từ năm 2020 đến nay, cải cách môi trường kinh doanh nói chung và ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh nói riêng có xu hướng chững lại. Điều kiện kinh doanh vẫn tạo nhiều rào cản, hạn chế về quyền tự do kinh doanh, ẩn chứa rủi ro, và tạo gánh nặng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp”, bà Thảo đánh giá.
Trước những rào cản về điều kiện kinh doanh, bà Thảo kiến nghị, đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, mục tiêu quản lý không rõ ràng, hoặc có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn thì yêu cầu các Bộ, ngành đề xuất sửa đổi danh mục thuộc Phụ lục 4 của Luật Đầu tư theo hướng bãi bỏ những ngành nghề này tại danh mục. Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện.
Đối với các điều kiện kinh doanh, nếu được quy định chung chung, không rõ ràng, thiếu cụ thể, thiếu tính minh định thì kiến nghị sửa đổi để đảm bảo điều kiện kinh doanh phải cụ thể, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu và khả thi. Trường hợp không xác định được các điều kiện, tiêu chí cụ thể, minh bạch thì kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh này.
Đồng thời, các Bộ, ngành cần rà soát, bãi bỏ các chứng chỉ không cần thiết; thu gọn các loại chứng chỉ có trùng lắp về nội dung để tránh lãng phí chi phí của xã hội. Cần thực hiện phân cấp việc đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ; đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động này.
>>Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh vẫn được vay tín dụng
“Cắt giảm điều kiện kinh doanh đang chậm lại, có lĩnh vực rào cản còn nặng nề hơn”
Doanh nghiệp ký quỹ 10 tỷ đồng mới đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy