Góp ý Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, VCCI đề nghị, các quy định cần tạo điều kiện hơn nữa…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 1607/BQP-VP của Bộ Quốc Phòng về việc đề nghị góp ý Dự Thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng (Dự thảo).
Về cơ bản, theo VCCI, các đề xuất tại Dự thảo là hợp lý, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn nữa, VCCI đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc một số điểm như:
Về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Dự thảo đề xuất bỏ một số giấy tờ trong hồ sơ, giảm số lượng hồ sơ, giảm thời hạn giải quyết trong các thủ tục liên quan đến Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự. Những đề xuất này thể hiện được tinh thần cải cách, sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, liên quan đến kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, cần đánh giá lại một số điều kiện kinh doanh của lĩnh vực này để có thể cắt giảm, đơn giản hóa hoặc quy định rõ ràng hơn. Cụ thể, cần xem xét một số điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng như: “Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự” (điểm b): Quy định này vừa chưa đủ rõ ràng (không rõ cơ sở vật vất, trang thiết bị như thế nào thì phù hợp với từng loại quy mô), vừa chưa thể hiện tính đặc thù (không rõ yêu cầu điều kiện này nhằm hướng tới mục tiêu quản lý nào?).
Mặt khác, trong Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự cũng không có tài liệu nào thể hiện hình thức của điều kiện này, vì vậy không rõ cơ quan quản lý sẽ dựa vào căn cứ nào để đánh giá doanh nghiệp có đáp ứng điều kiện này hay không?
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung đề xuất bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 32 Luật An toàn thông tin mạng.
Bên cạnh đó, theo VCCI, “Có phương án kinh doanh phù hợp” (điểm đ): Quy định này dường như chưa phù hợp với tính chất của một điều kiện kinh doanh. Bởi nếu mục tiêu hướng đến là nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp thì Nhà nước không cần thiết phải can thiệp vào yếu tố này. Mặt khác, phương án kinh doanh của doanh nghiệp thay đổi, tùy thuộc vào thị trường và tình hình kinh doanh.
Do đó, những yếu tố như “quy mô số lượng sản phẩm”, “phạm vi, đối tượng cung cấp”, “dịch vụ hệ thống phục vụ khách hàng” có thể sẽ thay đổi trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Tại thời điểm cấp phép, những nội dung này chỉ mang tính “dự kiến” nhưng sẽ thay đổi khi doanh nghiệp đi vào hoạt động. Nhà nước sẽ không thể kiểm soát được điều này (nếu yêu cầu mỗi lần thay đổi các yếu tố trên, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo, xin phép cơ quan quản lý sẽ tạo ra khối lượng thủ tục khổng lồ và hạn chế lớn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp).
“Vì vậy, thiết kế đây là điều kiện kinh doanh là chưa phù hợp. Đề nghị bổ sung đề xuất bỏ điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật An toàn thông tin mạng, đồng thời sửa đổi các điều khoản liên quan”, VCCI góp ý.
Về xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, VCCI cho rằng, hiện tại, theo quy định của Điều 34 Luật An toàn thông tin mạng, khi xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự thuộc Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp phải có Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp. Vì vậy, cần đánh giá lại tính cần thiết đối với Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
Bởi, điều kiện để doanh nghiệp được cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự là những điều kiện đã được kiểm soát trước đó, cụ thể: Kiểm soát về chủ thể nhập khẩu: có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; Kiểm soát chất lượng của sản phẩm nhập khẩu: phải được chứng nhận, công bố hợp quy; Đối tượng và mục đích sử dụng sản phẩm mật mã dân sự không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội – điều kiện này kiểm soát đối với người sử dụng và cũng không thể hiện trong hồ sơ xin cấp Giấy phép.
Đồng thời VCCI cũng cho rằng, không rõ về mục tiêu của chính sách khi yêu cầu doanh nghiệp đã có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phải có thêm Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự khi nhập khẩu, xuất khẩu mặt hàng này là gì? Các điều kiện cũng như hồ sơ xin cấp phép đều không làm rõ được mục tiêu này.
“Nếu để kiểm soát về mặt chủ thể – chỉ có những doanh nghiệp có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và kiểm soát chất lượng của sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu thì các công cụ về Giấy phép kinh doanh và Chứng nhận hợp quy là đủ và cơ quan hải quan có thể kiểm tra các loại giấy tờ này khi thực hiện thủ tục hải quan. Nếu để nắm bắt thông tin về số lượng, chủng loại các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu thì thông tin này cơ quan quản lý chuyên ngành có thể lấy được từ cơ quan hải quan”, VCCI chia sẻ.
Từ những phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ quy định về Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
Cùng với những vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung liên quan đến: Thủ tục cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lần đầu; Thủ tục cấp lại, cấp đổi, cấp điều chỉnh Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Thủ tục cấp phép cho tàu bay không người lái; Thủ tục đóng sân bay chuyên dùng trên mặt đất, mặt nước; Thủ tục mở lại sân bay chuyên dùng.
Bắt Phó Phòng kinh doanh chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng của người thân, bạn bè
Chủ đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành lãi gần 10.000 tỷ đồng năm 2024