Một công ty chứng khoán báo lỗ vì cú sốc thuế Mỹ
Chứng khoán Rồng Việt báo lỗ trong quý II/2025, hầu hết các mảng hoạt động đều sụt giảm. Công ty lý giải do tác động từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (HoSE: VDS) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2025 với tổng doanh thu hoạt động đạt 170 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu, hầu hết các hoạt động đều sụt giảm. Trong đó, lãi từ hoạt động tự doanh (FVTPL) chỉ còn 16 tỷ đồng, so với mức 153 tỷ đồng trong quý II/2024. Bù lại, lãi từ tiền gửi nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) cải thiện rõ rệt, đạt 11 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần cùng kỳ. Hoạt động môi giới mang về doanh thu 40 tỷ đồng, còn lãi từ cho vay margin đạt 94 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 2%.
Chi phí hoạt động ghi nhận 149 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khoản lỗ hoạt động tự doanh (FVTPL) 38 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí đi vay để tài trợ cho vay margin cũng lên tới 67 tỷ đồng và chi phí môi giới là 33 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các chi phí khác, bao gồm chi phí quản lý doanh nghiệp 38 tỷ đồng, VDS lỗ sau thuế 7 tỷ đồng, trong khi quý II/2024 vẫn ghi nhận lãi 121 tỷ đồng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Phía Rồng Việt lý giải, trong quý II/2025, tác động từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, thanh khoản thị trường bình quân mỗi phiên trong kỳ chỉ đạt 24.377 tỷ đồng, giảm 3,7% so với mức bình quân quý II/2024 (25.315 tỷ đồng). Dù Rồng Việt vẫn có lợi nhuận ở hầu hết các mảng kinh doanh chính, nhưng các tác động bất lợi của thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu, chủ yếu trong hoạt động đầu tư và môi giới.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hoạt động 332 tỷ đồng và lãi sau thuế 11 tỷ đồng, lần lượt giảm 43% và 95% so với cùng kỳ.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Rồng Việt đạt 6.828 tỷ đồng, trong đó cho vay margin chiếm 2.946 tỷ đồng. Công ty sử dụng 1.063 tỷ đồng cho danh mục FVTPL với các cổ phiếu chính gồm KBC, HSG, MWG, ACB. Ngoài ra, lượng tiền mặt nắm giữ lên đến 1.245 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả là 4.025 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm 3.906 tỷ đồng (tương đương 97%). Vốn chủ sở hữu đạt 2.803 tỷ đồng, với tỷ lệ margin/vốn chủ sở hữu ở mức 1,1 lần, còn cách xa ngưỡng trần 2 lần theo quy định.
Công ty nhóm Vingroup 'nổ súng' KQKD: Lợi nhuận bán niên vượt 15.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần 8.400%
KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%