Một doanh nghiệp chi 1.200 tỷ để di dời nhà máy khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam
Công ty dự kiến hoàn thành việc di dời nhà máy trước thời điểm tháng 12/2025.
CTCP Bao bì Biên Hòa (HoSE: SVI) vừa công bố kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 18/12, với nhiều nội dung quan trọng. Trong số đó có tờ trình về kế hoạch di dời nhà máy từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đến Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành, Đồng Nai). Đồng thời, doanh nghiệp cũng dự định mở rộng nhà máy tại Bình Dương.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đã thông báo về thời điểm di dời các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1. Bao bì Biên Hòa thuộc nhóm các doanh nghiệp cần hoàn thành việc di dời trước tháng 12/2025. Do đó, công ty cần lập kế hoạch dự kiến chi tiết về việc di dời nhà máy Carton Biên Hòa và nhà máy Offset trước thời gian này. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến lên tới 1.175 tỷ đồng và sẽ được triển khai trong giai đoạn 2024-2026.
Bao bì Biên Hòa cần hoàn thành việc di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 trước tháng 12/2025 |
Được biết đến là khu công nghiệp lâu đời nhất cả nước, KCN Biên Hòa 1 thành lập từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, Khu kỹ nghệ Biên Hòa đổi tên thành Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Đây được xem là "cái nôi" về phát triển công nghiệp với nhiều doanh nghiệp tên tuổi, lâu đời trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của cả nước.
Bao bì Biên Hòa, được thành lập vào năm 1968, là một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì giấy đầu tiên tại Việt Nam. Công ty hiện chuyên cung cấp bao bì cho các ngành hàng lớn như hóa mỹ phẩm, bánh kẹo, bia, nước giải khát, giày da... và là đối tác lâu năm của nhiều thương hiệu lớn như Unilever, Pepsico, Nestle, Kinh Đô.
Trong quý III/2024, công ty đạt doanh thu 374 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 14 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt 1.086 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 48 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm cuối quý III, tổng tài sản của công ty đạt 1.340 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 1.060 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn đạt 551 tỷ đồng.
>>2.400 lao động sẵn lòng theo công ty rời khỏi khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam