Tuần này, các nhà hoạch định chính sách của Fed bắt đầu đưa ra hàng loạt quan điểm. “Kiên nhẫn” và “không cần cắt giảm lãi suất quá sớm” đang là từ khóa then chốt.
Theo thông tin mới nhất do Reuters đăng tải, một số nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đã thống nhất xung quanh ý tưởng giữ nguyên phạm vi lãi suất cho đến hết năm nay. Nguyên nhân hàng đầu là do việc đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% còn chậm và “gập ghềnh”, cũng như nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá kiên cường.
Hôm thứ 5, Chủ tịch Fed New York John Williams cho rằng không cần vội vàng xoay trục chính sách. Ông nói chính sách hiện tại đang ở trạng thái tốt. “Tôi chắc chắn việc cắt giảm lãi suất sớm không phải điều cấp bách. Tất nhiên, lãi suất vẫn sẽ hạ ở một thời điểm nào đó, nhưng nó phụ thuộc vào nền kinh tế”, ông John Williams nói thêm.
Chủ tịch Fed New York John Williams |
Điều này tương tự với quan điểm mà Thống đốc Fed Christopher Waller đưa ra vào tháng 2. Ngoài ra, kể từ đó nhiều quan chức khác cũng đưa ra nhận định tương đồng.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester, trong một vài bình luận vào cuối ngày thứ 4, cũng cho biết Fed có thể sẽ cắt giảm lãi suất “vào một thời điểm nào đó”. Bà không còn dùng cụm từ “năm nay” - vốn được bà và ông Williams sử dụng trước đây.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester |
Phát biểu tại Fort Lauderdale, Florida hôm thứ 5, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đưa ra quan điểm “cuối năm” là thời điểm có thể xảy ra đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên nhưng cũng đồng thời nói rằng: “Tôi cảm thấy thoải mái khi kiên nhẫn”.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari nói với Fox News Channel rằng ông cũng muốn "kiên nhẫn". Thậm chí vị quan chức còn cho hay lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có khả năng sẽ không phù hợp cho đến tận năm sau.
Chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari |
Mới cách đây vài tuần, nhiều nhà hoạch định chính sách đã phát đi tín hiệu rằng để ngăn chặn tình trạng nền kinh tế bị trì trệ, Fed cần cắt giảm lãi suất nhiều lần trước cuối năm nay.
Nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ về dữ liệu việc làm, chỉ số CPI tháng 3 tăng bất ngờ và tăng liên tiếp trong 3 tháng cũng như các chỉ số kinh tế gần đây khác đã thuyết phục nhiều quan chức hơn rằng việc cắt giảm lãi suất nên chờ đợi.
Đầu tuần này, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson đã từ chối bất kỳ đề cập nào về thời điểm thích hợp để cắt giảm lãi suất. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để có đủ niềm tin rằng lạm phát đã hạ nhiệt.
Với sự thay đổi giọng điệu của Fed và dữ liệu thị trường lao động ít có dấu hiệu rạn nứt, thị trường tài chính cũng “chuyển hướng” - dự đoán số lần cắt giảm lãi suất sẽ ít hơn và muộn hơn. Cụ thể, nhiều người cho rằng đợt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 9, muộn hơn đáng kể so với tháng 6 được chỉ ra vài tuần trước.
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 29/3, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 0,3% trong tháng 2 và tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. PCE tổng thể tăng 0,3% trong tháng 2 - thấp hơn ước tính 0,4% và tăng 2,5% so với năm trước. Fed đặt mục tiêu lạm phát 2%.
Điều này thậm chí còn đặt ra câu hỏi liệu Fed có thể phải tăng lãi suất một lần nữa hay không. Ông Williams cho rằng điều đó khó xảy ra nhưng lưu ý không thể loại trừ khả năng này.
Ông Bostic, trong một lần xuất hiện ở Miami vào cuối ngày thứ 5 đã phát biểu rằng việc hạ nhiệt lạm phát bị đình trệ. Vì vậy việc “quay xe” tăng lãi suất vẫn có thể xảy ra.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ họp lần tiếp theo vào ngày 30/4 đến ngày 1/5 và dự kiến sẽ giữ nguyên phạm vi lãi suất ở mức 5,25%-5,5%, mức đã duy trì kể từ tháng 7 năm ngoái.