Một ngân hàng gửi 2.700 cảnh báo tài khoản lừa đảo, 1.500 khách dừng giao dịch
Chỉ riêng trong tháng 7/2024, ngay khi tính năng cảnh báo tài khoản lừa đảo vừa đi vào triển khai, một ngân hàng đã cảnh báo cho 2.700 khách hàng khi thực hiện giao dịch chuyển tiền và có 1.500 khách chủ động dừng giao dịch sau khi nhận khuyến cáo.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai tính năng nhận diện thông tin tài khoản lừa đảo từ cuối tháng 6/2024. Tính năng này được đánh giá đặc biệt hữu ích trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi.
Khi thao tác chuyển tiền, khách hàng sẽ nhận được cảnh báo trong trường hợp người nhận là tài khoản có khả năng lừa đảo. Điều này cho phép khách hàng dễ dàng dừng các giao dịch nghi ngờ, giúp bảo vệ an toàn tài khoản và tài sản của mình.
Tại hội nghị nhà đầu tư do MB tổ chức chiều 5/8, trả lời câu hỏi của VietNamNet, ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch HĐQT phụ trách Chuyển đổi số của MB, chia sẻ chi tiết hơn về tính năng này.
Theo ông Trung, tính năng phát hiện và cảnh báo lừa đảo là kết quả của sự phối hợp giữa MB và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an. MB cùng với A05 cập nhật danh sách tất cả tài khoản tham gia hoặc có liên đới với hành vi lừa đảo trên toàn quốc. Danh sách này hiện có khoảng hơn 3.000 tài khoản, hàng ngày sẽ được cập nhật bổ sung. Trước mỗi giao dịch chuyển tiền của khách hàng MB, ngân hàng sẽ kiểm tra nhanh để nhận diện tài khoản có nằm trong danh sách khả nghi hay không.
“Tôi khẳng định đây chỉ là danh sách trong diện nghi ngờ, trong đó có những tài khoản lừa đảo thật, nhưng cũng có những tài khoản đáng ngờ. Chúng tôi thực hiện cảnh báo rất rõ cho khách hàng trước khi chuyển tiền về việc tài khoản nhận tiền nằm trong danh sách nghi ngờ”, ông Trung thông tin.
Chỉ riêng trong tháng 7/2024, ngay khi tính năng này vừa đi vào triển khai, MB đã cảnh báo cho 2.700 khách hàng và sau khi nhận tin, có 1.500 khách chủ động dừng giao dịch.
Phó Chủ tịch HĐQT MB cho biết thêm, tại hội nghị sơ kết triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) và Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNNVN giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06, tính năng phát hiện và cảnh báo tài khoản lừa đảo đã được tất cả ngân hàng thống nhất khẩn trương đưa lên hệ thống khi phối hợp với A05.
Trước câu hỏi vì sao ngân hàng không chủ động đóng tài khoản nếu phát hiện đó là tài khoản lừa đảo và mở tại MB, ông Vũ Thành Trung cho biết, ngân hàng chỉ có thể đưa ra cảnh báo, việc đóng hay mở tài khoản của khách hàng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không phải tự nhiên có thể đóng được.
Về kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB, cho biết ngân hàng đã trình xong phương án và đề án nhận chuyển giao lên NHNN. NHNN cũng đã báo cáo Chính phủ và đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành liên quan.
Theo kế hoạch, trong quý III/2024 sẽ có ý kiến của Chính phủ, nếu suôn sẻ thì dự kiến trong năm nay sẽ được phê duyệt.
>> Hoạt động mua bán chứng khoán tăng trưởng mạnh, MB báo lãi hơn 7.600 tỷ đồng trong quý II