Một ngành công nghiệp tại Thụy Điển khủng hoảng vì giá điện 0 đồng
Thụy Điển là quốc gia được xem như hình mẫu cho chuyển đổi xanh tại châu Âu.
Trong hai thập kỷ qua, Thụy Điển đã đầu tư xây dựng hàng nghìn tuabin gió nhằm đạt mục tiêu giảm khí thải carbon và chuyển sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều này đã gây ra tình trạng cung vượt cầu, kéo giá điện xuống mức đặc biệt thấp, thậm chí âm trong nhiều thời điểm. Một báo cáo cho thấy giá điện ở Bắc Âu trung bình là 36 euro/MWh (hơn 900.000 đồng), bằng một nửa so với Đức, thị trường điện lớn nhất châu Âu.
Giá điện thấp khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng sinh lợi từ các dự án điện gió. Trong nửa đầu năm 2024, 12 trong số 16 dự án điện gió đã bị chính quyền địa phương bác bỏ, trong khi 3 trong số 4 dự án còn lại đã bị quân đội "tuýt còi".
Kể từ khi chương trình trợ cấp năng lượng tái tạo bị chính phủ Thụy Điển kết thúc 3 năm trước, thị trường này phải phát triển dựa hoàn toàn vào biến động giá năng lượng. Trong khi Anh, Pháp và Đức vẫn dành những ưu đãi lớn cho ngành này, Thụy Điển đã lựa chọn một con đường khác. Các chính sách của Stockholm vô hình trung tăng thêm áp lực lên nhà đầu tư khi thời gian phê duyệt một dự án điện gió đã tăng từ 2,5 năm vào năm 2010 lên trung bình 8,5 năm hiện nay.
![]() |
Ngành điện gió Thụy Điển đang gặp khó khăn vì giá điện quá thấp. Ảnh: Getty |
>>Đề xuất vốn ngoại không quá 65% trong liên danh dự án điện gió ngoài khơi
Ngoài ra, việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Thụy Điển cũng đã gặp nhiều trở ngại. Gần đây, chính phủ đã hủy 13 đơn xin cấp phép các dự án điện gió trên biển Baltic, do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng với Nga. Trong khi đó, nhiều quốc gia khác như Đức, Ba Lan và Đan Mạch đã đạt được thành tựu trong việc hợp tác giữa ngành điện và quân đội.
Ngành điện gió Thụy Điển cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ điện hạt nhân. Chính phủ đã đề xuất các dự án điện hạt nhân mới với mức giá hợp đồng chênh lệch 70 euro/MWh (hơn 1,8 triệu đồng) trong 40 năm. Mức giá này khiến điện gió khó lòng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh giá điện dưới 0.
Một số doanh nghiệp trong ngành như Renewable Energy Systems (RES) đã chuyển hướng sang năng lượng mặt trời, pin và năng lượng hydro nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, giá thành cao và thời gian triển khai lâu vẫn là thách thức lớn.
Dù nhiều trở ngại, Thụy Điển vẫn tin tưởng nhu cầu năng lượng tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới. Với tổng công suất lắp đặt 16.400 MW và đứng thứ tư trong EU, điện gió đặt một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045. Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần những chính sách mới để hỗ trợ nhà đầu tư và tăng tốc quy trình phê duyệt dự án.
>> Người dân 4 tỉnh phía Bắc kỳ vọng dự án đường dây 500kV sắp được EVN triển khai
Bộ Công Thương nêu phương án gỡ vướng dự án điện năng lượng tái tạo vi phạm
Thủ tướng chủ trì hội nghị về tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo