Một quy định mới về cho vay vốn tại Thông tư 06 vẫn có hiệu lực từ ngày 1/9
Mặc dù 3 quy định về vay vốn bị ngưng thi hành, một quy định mới tại Thông tư 06 vẫn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Ngân hàng Nhà nước ngày 23/8 đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN về ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan.
Đây được coi là động thái "gỡ khó" cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản về tiếp cận nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng.
Trước đó, Thông tư 06 đã bổ sung khoản 7, 8, 9, 10 Điều 8 quy định về Những nhu cầu vốn không được cho vay tại Thông tư 39. Như vậy, mặc dù khoản 8,9 và 10 sẽ ngưng hiệu lực thi hành, khoản 7 của Thông tư 39 vẫn sẽ tiếp tục có hiệu lực từ ngày 1/9. Nội dung khoản 7 Điều 8 Thông tư 39 quy định: "Không được cho vay để gửi tiền".
Lý giải về việc bổ sung khoản 7, NHNN từng cho biết qua công tác thanh tra, giám sát có phát sinh trường hợp ngân hàng đã cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm. Hoặc có khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay VND để gửi tiết kiệm.
Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản số 9565 ban hành ngày 6/12/2019 cảnh báo các ngân hàng. Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ ngân hàng.
Theo đó, Thông tư 06 bổ sung quy định ngân hàng không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.