Điểm đến

Một tỉnh miền Bắc có dân số đông top 10 cả nước sẽ có khu kinh tế chuyên biệt rộng 5.300ha: Dự kiến làm thêm 2 cao tốc, 9 đường tỉnh, 2 tuyến đường sắt

Hải Yến 10/01/2024 - 16:32

Phạm vi quy hoạch tỉnh miền Bắc này rộng 1.668,28 km2 (toàn bộ diện tích tỉnh) gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc và 235 đơn vị hành chính cấp xã.

Một thị xã lên thành phố

Ngày 19/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, rộng 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (2 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện); 235 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 178 xã và 10 thị trấn).

Mục tiêu phát triển tổng quát là phấn đấu đến năm 2030 Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc; đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch nêu rõ, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 01 đô thị loại II là thành phố Chí Linh; 01 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 07 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 4 đô thị hiện hữu, 2 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn.

Sẽ có khu kinh tế chuyên biệt 5.300ha

Đáng chú ý, Hải Dương sẽ phát triển 1 khu kinh tế chuyên biệt tại trung tâm vùng công nghiệp động lực thuộc huyện Bình Giang và huyện Thanh Miện, quy mô dự kiến khoảng 5.300ha. Khu kinh tế chuyên biệt tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ logistics…; có trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng, các khu phi thuế quan, đô thị - dịch vụ sinh thái hiện đại.

Về giao thông, ngoài cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện có, tỉnh có thêm 2 cao tốc quy hoạch mới là Nội Bài - Hạ Long (đoạn qua TP Chí Linh) và Đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, tỉnh dự kiến làm thêm 9 tuyến đường tỉnh, bao gồm: Đường tỉnh 394B, Đường tỉnh 397, Đường tỉnh 388 dự kiến (Tuyến nối từ Quốc lộ 18 đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), Đường tỉnh 398C dự kiến (Đường từ cầu Đồng Việt đến đường tốc độ cao của Quảng Ninh), Đường tỉnh 388B dự kiến (Đường trục Bắc Nam tuyến phía Bắc), Đường tỉnh 392D dự kiến (Đường kết nối thị trấn Thanh Miện sang Quỳnh Lâm), Đường tỉnh 396D dự kiến (Đường kết nối đường tỉnh 392; Đoạn chỉnh tuyến, huyện Ninh Giang với đường tỉnh 451, tỉnh Thái Bình), Đường tỉnh 397B dự kiến (Tuyến đường trục Đông Tây Kinh Môn kết nối đường tỉnh 352 Hải Phòng), Đường tỉnh 399B dự kiến (Đường gom cao tốc Hà Nội - Hải Phòng).

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng 2 tuyến đường sắt mới trong giai đoạn đến năm 2030, gồm tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân (khổ đường 1.000mm và 1.435mm); tuyến Hà Nội - Hải Phòng thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (khổ đường 1.435mm); đồng thời cải tạo, nâng cấp ga Cao Xá lên thành ga quốc tế. Tỉnh cũng dự kiến quy hoạch thêm 23 cảng mới.

Tỉnh sẽ xây thêm nhiều hệ thống hạ tầng

Tỉnh sẽ xây thêm nhiều hệ thống hạ tầng

Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giáp tới 6 tỉnh là Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Thái Bình. Diện tích tự nhiên của Hải Dương là 1.668,2km2 (đứng thứ 51/63 tỉnh thành cả nước). Trong khi đó, với gần 2 triệu người, dân số của Hải Dương hiện đứng thứ 8 cả nước, chỉ sau TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai và Bình Dương. Cơ cấu dân số trẻ nên tỉnh có nguồn lao động dồi dào.

Hấp dẫn du khách bởi những di tích lịch sử lâu đời cùng phong cảnh bình yên, hữu tình

Hải Dương phù hợp để tham quan cả 4 mùa trong năm. Tuy nhiên, mùa lễ hội từ tháng 1 đến tháng 3 là thời điểm đẹp nhất vì Hải Dương có nhiều đền chùa, di tích lịch sử. Mùa vải thiều vào vụ thu hoạch là từ tháng 5 đến tháng 6. Còn mùa hoa hướng dương vào tháng 10. Tháng 12 là mùa hoa dã quỳ nở, du khách tự do check-in với cả đường hoa dưới chân cầu Phú Tảo, TP Hải Dương.

Danh thắng

1. Đảo Cò Chi Lăng Nam

Đảo cò thuộc xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Với diện tích hơn 31.000ha, nơi đây là khu vực sinh sống của khoảng 12.000 cá thể cò và 5.030 cá thể vạc. Các loại cò chính gồm lửa, ruồi, bợ, đen...., vạc có xám, xanh, đen...

Đảo Cò Chi Lăng Nam

Đảo Cò Chi Lăng Nam

Để tham quan, khách có hai lựa chọn là đạp vịt hoặc đi thuyền quanh các đảo nhỏ. Một tiếng động lớn cũng có thể khiến cả bầy xáo động. Từng đàn từ lùm cây vút lên nền trời xanh. Cùng tiếng kêu vang, tất cả tạo nên một khung cảnh ngoạn mục và hoang dã.

Chỉ mất khoảng một ngày để du khách đi hết đảo. Có những người tìm tới điểm homestay, nghỉ qua đêm để tận hưởng cảnh sắc yên bình cũng như tìm hiểu tỉ mỉ cuộc sống của cò. Nhờ đó, họ có thể quan sát thêm những cảnh tượng như lúc hàng đàn cò, vạc bay đi kiếm ăn vào sáng sớm và trở về lúc chiều tàn.

2. Cánh đồng hoa hướng dương

Vào tháng 10, cánh đồng hoa hướng dương ở đường Trường Chinh sẽ nở rộ, vàng ươm một vùng.

Vườn hoa đẹp nhất vào buổi sáng từ 8 - 9h, để có ánh nắng tự nhiên, không quá đông khách. Hoặc bạn có thể ghé nơi đây vào buổi chiều, từ 15h30 đến 17h30 để kết hợp ngắm hoàng hôn. Vườn mở cửa miễn phí. Vào buổi tối, những bông hoa thêm rực rỡ bởi các mô hình ánh sáng.

3. Cây vải tổ

Thanh Hà vốn có vải thiều ngon nức tiếng, ít ai biết vải trong vùng đều lấy giống từ cây tổ 200 tuổi của cụ Hoàng Văn Cơm. Cây vải tổ ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà tuổi đời hơn 200 năm, giữ kỷ lục "Cây vải thiều lâu năm nhất".

Cây vải tổ Thanh Hà

Cây vải tổ Thanh Hà

Cụ Hoàng Văn Cơm, người thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà mang hạt về ươm từ năm 1870. Cụ ươm lên 3 cây, nhưng chỉ một cây sống sót và ra quả, nhân giống thành những vườn vải thiều rộng khắp vùng Hải Dương. Đến nay cây vải tổ vẫn tươi tốt.

Di tích lịch sử - văn hóa

1. Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc

Côn Sơn - Kiếp Bạc là khu di tích lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng, danh nhân văn hóa đất Việt như Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi.

Đã đến Côn Sơn, du khách không thể không leo lên sườn núi Kỳ Lân thơ mộng, với đỉnh núi được gọi là Bàn Cờ Tiên. Còn sườn bên phải núi Kỳ Lân, nơi Nguyễn Trãi dựng nhà dạy học, nay vẫn còn dấu tích nền nhà xưa cùng với phiến đá lớn mà nhân dân địa phương thường gọi là Thạch Bàn, hay còn gọi là hòn đá "năm gian" (rộng bằng 5 gian nhà), nơi Nguyễn Trãi từng ngồi ngâm ngơ, đọc sách.

Côn Sơn - Kiếp Bạc

Côn Sơn - Kiếp Bạc

Kiếp Bạc nằm trên một khu đất bằng giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" bề thế. Đền Kiếp Bạc nhìn ra con sông Thương (còn gọi là sông Lục Đầu). Thời Trần, nơi đây là bến Bình Than.

Đi thuyền trên sông Bình Than lịch sử, giữa dòng, còn đó cồn cát dài 200m, gọi là Cồn Kiếm, do Trần Hưng Đạo để lại thanh kiếm báu cho đời sau giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng sừng sững, bên tả có núi Bắc Đẩu, bên hữu là núi Nam Tào ba bề ôm lấy Kiếp Bạc hùng vĩ.

2. Văn miếu Mao Điền

Việt Nam có Văn miếu lớn, lâu đời nhất là Văn miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội, thứ hai là Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu Mao Điền (Hải Dương) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích được khởi lập cách đây hơn 500 năm, vào thời Lê sơ. Chữ Mao Điền là tên địa phương, chữ Mao có nghĩa là cỏ; Điền nghĩa là ruộng. Xưa kia nơi đây là khu ruộng rất rộng nhiều cỏ thơm, được chọn làm trường thi Hương của trấn Hải Dương, đến thời Tây Sơn Văn miếu được di chuyển từ Vĩnh Lại về sáp nhập với trương thi Hương. Từ đó, di tích có tên gọi là Văn miếu Mao Điền.

Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền

Văn miếu Mao Điền nằm ở phía Đông Bắc của làng Mao (hay còn gọi là làng Mậu Tài) thuộc xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Văn miếu nằm ở phía bắc đường Quốc lộ 5A chừng 200m, cách Thủ đô Hà Nội 42km về phía đông và cách trung tâm thành phố Hải Dương 16km.

3. Chùa Thanh Mai

Chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chùa xây dựng trên sườn núi Phật Tích, nay gọi là núi Tam Bảo. Trước chùa là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi.

Chùa xây dựng từ thế kỷ 13. Đây là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam, nơi trụ trì của Pháp Loa tôn giả - vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Trải qua năm tháng mưa nắng, chiến tranh, chùa cổ đã sụp đổ. Thời gian gần đây, chùa được khôi phục từng phần trên nền móng của một số công trình lớn. Chùa nằm dưới quần thể rừng phong trải rộng trên diện tích hơn 100ha, trong đó hơn 50ha nằm trọn trong đất chùa.

>> Về một tỉnh miền Trung Việt Nam khám phá ‘hồ nước không đáy’, được ví như một ốc đảo nằm giữa những đồi cát trắng trải dài

Vẻ đẹp nguyên sơ của hang động 7 tầng với hàng nghìn khối thạch nhũ ở miền Bắc, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất

Địa phương duy nhất miền Bắc có đủ 5 loại hình giao thông quan trọng, tương lai có sân bay quy mô 6.000ha lớn nhất vùng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/mot-tinh-mien-bac-co-dan-so-dong-top-10-ca-nuoc-se-co-khu-kinh-te-chuyen-biet-rong-5300ha-du-kien-lam-them-2-cao-toc-9-duong-tinh-2-tuyen-duong-sat-d114519.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một tỉnh miền Bắc có dân số đông top 10 cả nước sẽ có khu kinh tế chuyên biệt rộng 5.300ha: Dự kiến làm thêm 2 cao tốc, 9 đường tỉnh, 2 tuyến đường sắt
    POWERED BY ONECMS & INTECH