Chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng về dự án cao tốc gần 30.000 tỷ kết nối 2 tỉnh miền Bắc Việt Nam
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 87,3km, trong đó đoạn qua Thái Nguyên dài 58,75km và đoạn qua Cao Bằng dài 28,55km.
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Kạn đã chính thức sáp nhập, tỉnh mới giữ tên gọi là tỉnh Thái Nguyên. Sau sắp xếp, tỉnh Thái Nguyên có diện tích tự nhiên 8.375,21km2, dân số 1.799.489 người và 92 đơn vị hành chính cấp xã.
Việc sáp nhập giúp phát huy thế mạnh về công nghiệp, giáo dục và y tế của Thái Nguyên, đồng thời kết hợp với tiềm năng rừng, khoáng sản và du lịch của Bắc Kạn. Qua đó hình thành chuỗi giá trị liên hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh và tinh gọn bộ máy hành chính.
Mới đây, theo thông tin từ Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 6245/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc giao cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu, căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng và UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định theo thẩm quyền việc giao cơ quan chủ quản thực hiện dự án, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục quy định.
>> Tuyến cao tốc hơn 13.000 tỷ, kết nối hai tỉnh Đông Bắc Việt Nam sẽ sớm được triển khai?

Trước đó, tại Tờ trình số 1868/TTr-UBND, UBND tỉnh Cao Bằng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan chủ quản đầu tư, để chủ động triển khai các bước tiếp theo của dự án.
Được biết, dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng có điểm đầu tại km0+000 nối với dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn thuộc địa phận phường Bắc Kạn, tỉnh Thái Nguyên; điểm cuối tại km87+300, kết nối với đường vành đai theo quy hoạch tỉnh Cao Bằng.
Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 87,3km, trong đó đoạn qua Thái Nguyên dài 58,75km và đoạn qua Cao Bằng dài 28,55km.
Ngoài ra, dự án còn có các tuyến nhánh gồm đoạn nối đường Võ Nguyên Giáp vào trung tâm TP. Cao Bằng dài khoảng 1,29km và đoạn nối Quốc lộ 3 dài khoảng 3,57km.
Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012 với tốc độ thiết kế 80km/h, gồm 4 làn xe cao tốc, nền đường rộng 22m, mặt đường rộng 20,5m. Các đoạn nối thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m.
Đoạn qua tỉnh Thái Nguyên có 2 hầm với tổng chiều dài khoảng 1,12km; 44 cầu vượt dòng chảy và địa hình (tổng chiều dài khoảng 12,7km); 9 cầu vượt ngang và 7 nút giao liên thông.
Đoạn qua Cao Bằng có khoảng 47 cầu trên tuyến chính (tổng chiều dài khoảng 10,6km), 6 cầu trong nút giao, 1 cầu vượt, 1 hầm tại ranh giới hai tỉnh (khoảng 700m) và 2 nút giao liên thông.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 29.893,6 tỷ đồng, trong đó đoạn qua địa phận Cao Bằng khoảng 11.357 tỷ đồng và đoạn qua địa phận Thái Nguyên khoảng 18.535,8 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng là công trình hạ tầng đường bộ quan trọng, kết nối giữa cửa khẩu tỉnh Cao Bằng và Hà Nội, giảm khoảng 50km so với hành trình hiện tại qua Cao Bằng - Lạng Sơn - Bắc Ninh - Hà Nội.
Tuyến đường cũng giúp giảm thời gian và chi phí di chuyển đến các cửa khẩu khu vực Đông Bắc như cửa khẩu Trà Lĩnh, cửa khẩu Tà Lùng.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng sẽ kết hợp với các tuyến cao tốc đã được đầu tư như CT.05, CT.09 và các tuyến đang được đầu tư như CT.10, CT.15, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông cao tốc khu vực miền Bắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
>> Đến năm 2030, cao tốc dài 90km nối 2 tỉnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ đi vào hoạt động