Bất động sản

Một tỉnh thuộc miền Trung dự kiến không sáp nhập: Là mảnh đất 'Tam vua Nhị chúa' gần 1.000 năm tuổi

Hải Đăng 05/04/2025 17:00

Nơi sinh ra nhiều vị vua nhất Việt Nam và cũng là tỉnh đông dân nhất cả nước dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Thanh Hóa dự kiến giữ nguyên hiện trạng sau sắp xếp

Bộ Nội vụ mới đây đã hoàn tất tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính, chuyển Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định và Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo này.

Theo các tiêu chí định hướng sắp hiện nay cả nước có 11 đơn vị cấp tỉnh sẽ giữ nguyên hiện trạng, gồm: TP. Hà Nội, TP. Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Trong khi đó, 52 đơn vị cấp tỉnh thuộc diện phải sắp xếp, trong đó sẽ có 48 tỉnh và 4 TP trực thuộc Trung ương gồm: Hải Phòng, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Một tỉnh thuộc miền Trung dự kiến không sáp nhập: Là mảnh đất 'Tam vua Nhị chúa' gần 1.000 năm tuổi- Ảnh 1.
Thanh Hóa một trong số 11 tỉnh/thành dự kiến sẽ giữ nguyên hiện trạng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Internet

48 tỉnh còn lại gồm: Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Phú Yên;

Quảng Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Lắk, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Kiên Giang.

Thanh Hóa nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, đóng vai trò là cầu nối giữa miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Tỉnh tiếp giáp với các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình ở phía Bắc; Nghệ An ở phía Nam; tỉnh Hủa Phăn của Lào ở phía Tây với đường biên giới dài 192km và phía Đông giáp Biển Đông với đường bờ biển dài 102 km. Vị trí này không chỉ thuận lợi cho giao thương trong nước mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế, đặc biệt với nước bạn Lào.

Với diện tích 11.129,48km2, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích lớn thứ năm cả nước. Dân số tỉnh đạt khoảng 3,6 triệu người và là tỉnh đông dân nhất Việt Nam sau TP. Hà Nội và TP. HCM; với sự đa dạng của 7 dân tộc chính: Kinh, Mường, Thái, H'Mông, Dao, Thổ và Khơ Mú.

Tỉnh có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 23 huyện, 2 thị xã và 2 thành phố trực thuộc tỉnh là Thanh Hóa và Sầm Sơn. Sự đa dạng về địa hình từ miền núi, trung du đến đồng bằng và ven biển tạo nên sự phong phú trong văn hóa và kinh tế của tỉnh.

Tối 8/5/2019 tại Quảng trường Lam Sơn, Thanh Hóa, địa phương đã long trọng tổ chức Lễ "Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa".

> > Tỉnh Nam Định sắp có 2 khu công nghiệp nghìn tỷ theo mô hình hiện đại

Là mảnh đất 'Tam Vua Nhị Chúa'

Thanh Hóa là cái nôi của nhiều nền văn hóa cổ, tiêu biểu là văn hóa Đông Sơn nổi tiếng với trống đồng và các di chỉ khảo cổ quan trọng. Vùng đất này cũng là nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam, được mệnh danh là "địa linh nhân kiệt" với nhiều vua chúa, anh hùng và danh nhân văn hóa. Trong thời kỳ phong kiến, Thanh Hóa đã sản sinh ra nhiều nhân tài, với 1.627 khoa bảng, trong đó có 240 tiến sĩ.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nơi đây được xem là nơi phát tích của nhiều triều đại vua chúa. Có tổng cộng 44 vị vua xuất thân từ Thanh Hóa, thuộc các triều đại nhà Tiền Lê (2 người), nhà Hồ (2 người), nhà Hậu Lê (27 người) và nhà Nguyễn (13 người). Bên cạnh đó, đây cũng là quê hương của hai dòng chúa nổi tiếng, chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Một tỉnh thuộc miền Trung dự kiến không sáp nhập: Là mảnh đất 'Tam vua Nhị chúa' gần 1.000 năm tuổi- Ảnh 2.
Nơi đây được xem là mảnh đất "địa linh nhân kiệt". Ảnh minh họa

Thanh Hóa dù không phải là địa phương được chọn làm nơi đóng đô hay xây dựng kinh thành nhiều nhất nhưng Thanh Hóa tự hào là nơi sinh ra nhiều vị vua nhất. Người xưa khi nói về vùng đất này vẫn có câu "quê vua, đất chúa" hay "đất đế vương chung hội" hay câu nói nổi tiếng "Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ".

Trải qua chiều dài biến động của lịch sử, Thanh Hóa đã chứng kiến nhiều sự kiện trọng đại của đất nước từ thời cổ, trung đại cho đến thời cận đại. Tuy nhiên, do một số giai đoạn sử sách không ghi chép đầy đủ, việc xác định chính xác thời điểm xuất hiện danh xưng Thanh Hóa trong lịch sử đã gặp phải không ít khó khăn.

Người xưa có câu: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ” – một cách nói hàm ý về vùng đất sinh vua chúa bậc đế vương và vùng đất sinh hào kiệt phò tá giang sơn. Vùng Ái Châu, tức Thanh Hóa ngày nay, được xem là nơi phát tích của nhiều dòng họ vua chúa trong lịch sử Việt Nam. Qua các triều đại, vùng đất này mang nhiều tên gọi khác nhau: xưa thuộc bộ Cửu Chân, thời Tần thuộc Tượng Quận, đời Triệu là quận Cửu Chân...

Tên gọi Ái Châu trở nên quen thuộc từ thời Lương Vũ Đế nhà Lương. Đến thời nhà Lý, vùng đất này được đổi tên thành phủ Thanh Hóa, từ đó tên gọi "Thanh Hóa" chính thức xuất hiện và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Từ thời dựng nước Văn Lang đến khi kết thúc chế độ phong kiến vào năm 1945 dưới triều vua Bảo Đại – vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn, Thanh Hóa đã trở thành cái nôi khởi nguồn của nhiều triều đại lớn trong lịch sử dân tộc.

Không chỉ là vùng đất “phát vua, phát chúa”, Ái Châu – Thanh Hóa còn nhiều lần giữ vai trò trung tâm chính trị – quân sự của đất nước. Thời nhà Hồ, vùng đất này từng là Kinh đô Tây Đô với thành An Tôn (tức Tây Giai, từ năm 1400 đến 1407). Sau đó, khi vua Lê Trang Tông phục quốc từ đất Ai Lao (năm Quý Tỵ 1533), đến năm Quý Mão 1543, ông đã chọn xứ Thanh làm căn cứ địa để phát binh tiến đánh Thăng Long, tiêu diệt nhà Mạc.

Đến năm Bính Ngọ (1546), điện Vạn Lại được lập tại sách Vạn Lại, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Đây là nơi đặt triều đình Nam triều nhằm đối trọng với Bắc triều của nhà Mạc ở Thăng Long.

Ngày nay, Thanh Hóa là một trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, đóng vai trò cửa ngõ mở đầu vùng Bắc Trung Bộ. Không chỉ nổi bật về vị trí địa lý, nơi đây còn mang trong mình chiều sâu lịch sử, văn hóa – một vùng đất “địa linh nhân kiệt” trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Kinh tế có sự phát triển vượt bậc

Năm 2024, có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch.

Với bờ biển dài và nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Hải Tiến, cùng các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phong phú, Thanh Hóa có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch và dịch vụ. Tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Hoạt động du lịch cũng phát triển mạnh mẽ, tổng lượng khách du lịch trong năm 2024 ước đạt 15,3 triệu lượt, vượt 10,9% so với kế hoạch và tăng 22,5% so với năm trước. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt 719 nghìn lượt, tăng 16,7%.

Tổng thu du lịch ước đạt 33.815 tỷ đồng, vượt 4,4% kế hoạch, tăng 38%, trong khi doanh thu vận tải vượt 1,7% kế hoạch, tăng 14,5%. Đặc biệt, thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.735 tỷ đồng, vượt 59,5% dự toán, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và xếp thứ 7 cả nước.

Một tỉnh thuộc miền Trung dự kiến không sáp nhập: Là mảnh đất 'Tam vua Nhị chúa' gần 1.000 năm tuổi- Ảnh 3.
Thanh Hóa hiện nay có tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc. Ảnh: Internet

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội của tỉnh cũng có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân ổn định.

Các chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế và chính sách được triển khai kịp thời. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính và cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội cũng được bảo đảm.

Thanh Hóa có nền kinh tế phát triển đa dạng với nhiều ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Khu kinh tế Nghi Sơn, với cảng nước sâu và nhà máy lọc hóa dầu, là một trong những khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn. Ngoài ra, tỉnh còn có 8 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch và đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

> > Lên kế hoạch xây dựng tuyến metro kết nối 3 tỉnh, thành giàu nhất Việt Nam

Hai tỉnh 'uống' chung một dòng nước Vàm Cỏ Đông, từng thuộc TP. HCM có tái diễn tình trạng sáp nhập?

Sân bay tại tỉnh dự kiến sáp nhập với Đà Nẵng sẽ có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/mot-tinh-thuoc-mien-trung-du-kien-khong-sap-nhap-la-manh-dat-tam-vua-nhi-chua-gan-1000-nam-tuoi-202250401160948528.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Một tỉnh thuộc miền Trung dự kiến không sáp nhập: Là mảnh đất 'Tam vua Nhị chúa' gần 1.000 năm tuổi
    POWERED BY ONECMS & INTECH