Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng có thể bị phạt nặng
Mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử có thể bị phạt đến 200 triệu đồng, theo Dự thảo Nghị định mới của Ngân hàng Nhà nước.
Siết chặt hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến đối với Dự thảo lần 3 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Dự thảo đưa ra nhiều quy định xử phạt nghiêm khắc, đặc biệt với các hành vi liên quan đến tài khoản ngân hàng, ví điện tử, hoạt động thanh toán, trung gian thanh toán và bảo vệ đồng tiền Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 30 Dự thảo, hành vi mua bán, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua bán thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng từ 1 đến dưới 10 tài khoản – nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự – sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đến 150 triệu đồng. Trường hợp số lượng từ 10 tài khoản trở lên, mức phạt tăng lên 150–200 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi mở hoặc duy trì tài khoản nặc danh, mạo danh; chiếm đoạt, thông đồng để lấy cắp thông tin tài khoản thanh toán – nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự – sẽ bị xử phạt từ 200 đến 250 triệu đồng.
Đối với các đơn vị trung gian thanh toán, trong đó có các nhà cung cấp ví điện tử, Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng nếu vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn trong cung ứng dịch vụ, giám sát giao dịch thanh toán quốc tế, mở ví điện tử, hồ sơ và thông tin khách hàng. Trường hợp mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua bán, thuê, cho thuê, mượn ví điện tử; chiếm đoạt thông tin từ 1 đến dưới 10 ví – sẽ bị phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.
Mức phạt sẽ tăng lên 120–150 triệu đồng nếu tổ chức trung gian thanh toán báo cáo không trung thực số dư, số lượng ví điện tử trong trường hợp tái phạm; hoặc vi phạm khi hợp tác với tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
![]() |
Theo quy định tại Điều 30 Dự thảo, hành vi mua bán, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua bán thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng từ 1 đến dưới 10 tài khoản – nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự – sẽ bị xử phạt từ 100 triệu đến 150 triệu đồng. |
Tăng mức phạt với hành vi vi phạm liên quan đến tiền Việt Nam
Tại Điều 36, Dự thảo nêu rõ: hành vi phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ, hoặc phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ – sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng. Đặc biệt, hành vi sao chụp hình ảnh tiền Việt Nam không đúng quy định sẽ bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.
Điều 33 quy định phạt từ 120 đến 150 triệu đồng với hành vi thực hiện nghiệp vụ đại lý thanh toán không nằm trong hợp đồng ký giữa bên giao đại lý và bên nhận làm đại lý.
Dự thảo Nghị định gồm 75 điều, quy định đầy đủ về các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử lý và tổ chức thực hiện trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ý kiến góp ý gửi về Cục An ninh hệ thống các tổ chức tín dụng tại địa chỉ 25 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua email: [email protected], điện thoại: 024.3939.2226.
>> Thủ tướng ra chỉ đạo khẩn với Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước