Những lo ngại về việc biện pháp hạn chế xuất khẩu có thể gây gián đoạn đáng kể ngành công nghiệp bán dẫn khiến Washington phải đưa ra lộ trình dài hạn hơn trong kế hoạch cắt đứt Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn.
Bộ Thương mại Mỹ đang gia hạn vô thời hạn quyền miễn trừ xuất khẩu đối với các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc và Đài Loan có sử dụng công nghệ nước này.
Việc miễn trừ ban đầu được cho là sẽ hết hạn vào tháng 10/2023, một năm sau khi Washington triển khai chính sách siết chặt xuất khẩu công nghệ và thiết bị bán dẫn sang nền kinh tế số hai thế giới.
Trong số các công ty hưởng lợi có Samsung Electronics, doanh nghiệp đã dành cả năm 2022 để đẩy nhanh quá trình đưa thiết bị tới cơ sở sản xuất chip đặt tại khu vực cách trung tâm Tây An 30 km. Đây là nhà máy sản xuất bộ nhớ flash NAND, cung cấp cho các nhà sản xuất smartphone và máy tính trên khắp Trung Quốc, gồm cả Apple, HP và Dell.
Ngoài Samsung, SK Hynix và Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) cũng vận hành các nhà máy bán dẫn tại đại lục. Các công ty đã tìm cách vận động gia hạn quyền miễn trừ xuất khẩu.
Đồng lòng với họ là các đối tác Mỹ. Apple có hơn 80% số lượng iPhone lắp ráp tại Trung Quốc, trong khi HP và Dell cũng phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất tại đây, vốn sẽ bị ảnh hưởng nếu bị gián đoạn nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến từ những công ty Hàn Quốc và Đài Loan.
Mỹ quyết không “đứng sau” Trung Quốc trong cuộc đua công nghệ chip. Song, nước này đang chuyển sang cách tiếp cận chậm rãi hơn, khi lo ngại việc thoát ly vội vàng có thể làm tổn hại đến lợi ích quốc gia.
Tại phiên điều trần của uỷ ban hạ viện vào tháng 9, Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho biết “tầm nhìn dài hạn trong 5 hoặc 6 năm tới, chúng ta có thể đạt được phần lớn mục tiêu ban đầu đề ra”.
Đối với các doanh nghiệp đang hưởng quyền miễn trừ xuất khẩu, họ cũng kì vọng có thể “thoát Trung” trong trung và dài hạn. Chẳng hạn, Samsung đang thảo luận về việc thu hồi lợi ích tại nhà máy Tây An vào năm 2028. Bước đầu tiên là dừng đầu tư hệ thống tiên tiến, trước khi giảm tỷ lệ sản phẩm Made in China.
Song, chiến lược của Mỹ có thành công hay không thì vẫn chưa rõ ràng, khi Trung Quốc đang chi mạnh tay để cải thiện khả năng tự chủ bán dẫn.
Vào tháng 8, Huawei Technologies bất ngờ tung ra sản phẩm smartphone trang bị chip 7 nanomet (nm), vốn nằm trong danh sách cấm vận của Washington, đã làm dấy lên nghi ngờ công nghệ Mỹ bằng cách nào đó đã được sử dụng trong quá trình phát triển.
Mặc dù công nghệ này bị coi là chậm hơn khoảng 5 năm so với tiến trình 3nm đang được TSMC và Samsung sản xuất hàng loạt, nhưng chúng vẫn cho thấy sự đột phá của công nghệ bán dẫn đại lục.
Cố vấn kỹ thuật của một nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc cho biết có nhiều cách để lách các hạn chế của Mỹ, như nhập khẩu thiết bị qua nước thứ ba. Ngoài ra, nhiều kỹ sư Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang chuyển đến quốc gia này, mang theo chuyên môn của họ.
(Theo NikkeiAsia)