Nam Định: Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Thời gian qua, tỉnh Nam Định luôn tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP.
Từ Nghị quyết dẫn đường...
Ngày 31/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây chính là quyết tâm của Chính phủ nhằm tiếp tục đưa kinh tế tư nhân phát triển ở tầm cao hơn.
Ngay sau khi Nghị quyết số 45/NQ-CP được ban hành, UBND tỉnh Nam Định đã giao các ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện trên địa bàn. Từ Nghị quyết của Chính phủ, Nam Định đang biến thành quyết tâm hành động với những giải pháp cụ thể, hiệu quả để đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển của tỉnh, của đất nước.
Được biết, thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) của tỉnh Nam Định có sự phát triển đáng ghi nhận, tham gia vào các quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, nông, lâm, thủy sản, thương mại, dịch vụ, kinh tế, xây dựng...
Nhóm doanh nghiệp khu vực KTTN có tốc độ tăng cao. Đến hết năm 2020 (trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19) toàn tỉnh có 5.632 doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chiếm 97,84% tổng số doanh nghiệp; tăng 1.580 doanh nghiệp so với năm 2016, chiếm 98,4% số doanh nghiệp tăng thêm. Trong giai đoạn chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, mặc dù gặp nhiều khó khăn song khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã cho thấy sự năng động linh hoạt chuyển đổi, tiếp tục có sức tăng trưởng đáng kể. Hết năm 2022 số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 6.278/6.418 tổng doanh nghiệp toàn tỉnh; tăng 646 doanh nghiệp so với năm 2020. Bên cạnh đó, nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ cá thể cũng tăng về số lượng đơn vị và lao động. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 105,4 nghìn cơ sở với số lao động bình quân 2 người/cơ sở; hết năm 2022 toàn tỉnh có 106 nghìn 795 hộ với tổng số 215.242 lao động.
Sự phát triển nhanh của KTTN diễn ra ở các địa phương và ở đa dạng các ngành kinh tế. Doanh nghiệp khu vực dịch vụ và công nghiệp, xây dựng phát triển về quy mô và tốc độ tăng trưởng nhanh; khu vực lâm nghiệp và thủy sản quy mô còn nhỏ so với hai khu vực trên. Nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể chiếm tỷ lệ cao ở các ngành nghề thương mại, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ khác với tỷ lệ 62,9%, chủ yếu là bán lẻ và phục vụ tiêu dùng cuối cùng; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 31,2% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể.
Tỷ lệ tăng thêm trong những năm gần đây chủ yếu ở nhóm cơ sở ngành thương mại, dịch vụ, xây dựng và giảm ở ngành công nghiệp (chủ yếu là giảm ở ngành công nghiệp sản xuất muối). Không chỉ phát triển về số lượng, từ nhiều năm nay, KTTN đã đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh với con số ấn tượng với mức đóng góp hàng năm luôn cao gấp 2 lần so với khu vực kinh tế Nhà nước và gấp rất nhiều lần so với khu vực đầu tư nước ngoài. Đáng kể, các doanh nghiệp tư nhân khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Thương hiệu của nhiều doanh nghiệp tư nhân không chỉ dừng lại trong thị trường nội địa mà còn lan tỏa rộng trên thị trường quốc tế như các tên tuổi: Công ty Cổ phần May Sông Hồng; Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam; Công ty TNHH Thắng Lợi; Công ty Cổ phần Dược Nam Hà; Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định…
...đến mục tiêu cụ thể
Từ Nghị quyết của Chính phủ, Nam Định đang biến thành quyết tâm hành động với những giải pháp cụ thể, hiệu quả để đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển của tỉnh, của đất nước.
Theo lãnh đao tỉnh Nam Định: tỉnh quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Để tăng sức cho cộng đồng doanh nghiệp, Nam Đinh đã và đang tập trung xây dựng, triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị định hướng gắn kết đến với thị trường quốc tế bằng nhiều cách, từ công tác phổ biến, tuyên truyền các hiệp định thương mại, các qui định thương mại quốc tế đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá... nhằm mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu cũng như tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, mới đây UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP cho 65 doanh nghiệp, tổng mức kinh phí hỗ trợ là 2,5 tỷ đồng.. Trong đó, mỗi sản phẩm 3 sao được thưởng 6,4 triệu đồng; mỗi sản phẩm 4 sao được thưởng 8 triệu đồng). Nam Định hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP với số tiền gần 12 triệu đồng và hỗ trợ chi phí bao bì, in tem hơn 1,8 tỷ đồng. Theo đó, 65 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh ở Nam Định có sản phẩm OCOP được hỗ trợ năm 2022, 9/10 huyện, thành phố của tỉnh đều có chủ thể được hỗ trợ (tổng cộng có 91 sản phẩm, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao, 77 sản phẩm đạt 3 sao).
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có trên 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, bình quân mỗi năm có trên 1.000 doanh nghiệp mới thành lập, gia nhập thị trường; có tăng trưởng cả về quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh. Để đạt các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huy động tổng hợp các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, xã hội hoá nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng mà đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối, khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) đáp ứng yêu cầu về mặt bằng sản xuất, kinh doanh và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết với chi phí hợp lý, đảm bảo kết nối thuận tiện với giao thông, tăng cường liên kết giữa khu, CCN, khu kinh tế.
Trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế Ninh Cơ và các khu, CCN tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như các KCN: Dệt may Rạng Đông, Mỹ Thuận, Bảo Minh mở rộng, Yên Bằng, Thanh Côi, Giao Thiện, Tân Thịnh…
Hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng các KCN Hồng Tiến, Trung Thành, Hải Long, Xuân Kiên và một số KCN quy mô lớn theo quy hoạch. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, nhất là các doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo để định hướng sản xuất và tiêu dùng; quan tâm phát triển hệ thống chợ, mạng lưới thương mại truyền thống.
Còn theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, những chính sách linh hoạt, tạo điều kiện hỗ trợ về mặt bằng, nguồn vốn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông... của Nam Định cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và cho các nhà đầu tư chiến lược là nền tảng tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.