Thuế đối ứng ‘nắn’ dòng chảy một mặt hàng chủ lực vào Mỹ, Việt Nam có lợi thế khi là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới
Diễn biến mới về thuế đối ứng mà Mỹ mới công bố đang gây xáo trộn dòng chảy mặt hàng này, trong đó Việt Nam có thể hưởng lợi khi là nước sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Ngày 9/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tăng mạnh thuế đối ứng lên tới 50% với Brazil so với con số 10% hồi đầu tháng 4. Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định, với mức thuế này, dòng chảy cà phê từ Brazil vào Mỹ gần như “đóng băng”, gây ra cú sốc nguồn cung lớn tại thị trường nhập khẩu cà phê số một thế giới.
Không chỉ Brazil, Indonesia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 toàn cầu cũng bị áp thuế đối ứng ở mức 32%. Diễn biến bất ngờ này khiến cán cân cung cầu toàn cầu chao đảo và đặt ra một cục diện hoàn toàn mới.
Ảnh hưởng từ thông tin này, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 tuần trước giảm tổng cộng 451 USD còn 3.216 USD/tấn. Trong khi đó, trên sàn NewYork, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 50 USD/tấn, còn 6.320 USD/tấn.
Trong nước, tại khu vực Tây nguyên, giá cà phê nhiều nơi tiếp tục lao dốc và lùi về dưới mức 90.000 đồng/kg. Nhiều người nắm giữ cà phê bắt đầu lo lắng vì xu hướng giảm tiếp tục kéo dài.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố tháng 6/2025, Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới với sản lượng ước đạt 31 triệu bao trong niên vụ 2025/26, chỉ sau Brazil với 65 triệu bao. Tuy nhiên, trong khi Brazil chủ yếu sản xuất cà phê arabica thì Việt Nam lại chiếm ưu thế tuyệt đối ở dòng robusta – loại cà phê đang có nhu cầu tăng mạnh tại Mỹ do giá mềm và dễ pha chế.
Theo số liệu của USDA niên vụ 2023/24, Việt Nam mới chỉ chiếm 8% tổng lượng cà phê nhập khẩu của Mỹ, trong khi Brazil chiếm tới 32%. Nhưng cục diện này có thể thay đổi nhanh chóng khi các rào cản thuế làm tăng giá cà phê Brazil, còn robusta Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn về giá cả.
![]() |
Thuế đối ứng ‘nắn’ dòng chảy vào Mỹ một mặt hàng Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới (Ảnh minh họa) |
Thực tế đã cho thấy tín hiệu tích cực. Năm 2024, xuất khẩu cà phê Việt sang Mỹ đạt hơn 81.000 bao, thu về gần 323 triệu USD. Riêng nửa đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất gần 61.000 bao sang Mỹ, đạt kim ngạch gần 334 triệu USD – tăng 11% về lượng và vọt tới 76% về giá trị so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy cà phê Việt đang dần trở thành lựa chọn thay thế trong bối cảnh thị trường Mỹ thiếu hụt nguồn cung từ Brazil.
Trước bối cảnh mới của thuế đối ứng, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh, với những diễn biến hiện tại thì cà phê cũng như một số mặt hàng nông sản khác như hồ tiêu của Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng cơ hội chỉ thực sự chuyển thành lợi ích khi doanh nghiệp Việt có chiến lược bài bản. Ông Hải nhận định, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi kết quả đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, đồng thời chủ động nâng cao chất lượng, cải tiến chế biến sâu để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
>> Liên minh ‘vàng nâu’ hình thành: Việt Nam và Brazil bắt tay lập sàn giao dịch chung