Năm nào cũng thu tiền sửa chữa cơ sở vật chất, Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?
Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay nhiều trường xây dựng trong thời gian gần đây hoặc đã xây lâu năm, trong quá trình sử dụng xuống cấp, hư hỏng, vì vậy cần có kinh phí để sửa chữa cơ sở vật chất trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn hẹp.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ về thắc mắc của nhiều phụ huynh trước vấn đề năm nào cũng thu tiền sửa chữa cơ sở vật chất trong phòng học.
Theo ông Minh, quy định tại Thông tư số 16 của Bộ GD-ĐT, cơ sở giáo dục vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để mua sắm trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; Cải tạo sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; Hỗ trợ các hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo đó, khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức “chìa khóa trao tay” (hướng dẫn tại Công văn số 1427 UBND TP về việc thực hiện Thông tư số 16 của Bộ GD-ĐT), mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục.
Việc này phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không xem huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Ông Minh cho hay, thực tế, các trường có nhu cầu vận động tài trợ đã lập kế hoạch vận động tài trợ theo quy định, trình cơ quan chủ quản phê duyệt. Phần lớn các trường đã vận động được nguồn kinh phí đáng kể để hỗ trợ về cơ sở vật chất và các hoạt động giáo dục cho các trường; hàng năm thực hiện các thủ tục quyết toán theo quy định.
Về việc thu tiền cơ sở vật chất, theo ông Minh, nhiều trường xây dựng trong thời gian gần đây hoặc xây dựng lâu năm, trong quá trình sử dụng có sự xuống cấp, hư hỏng, cần có nguồn kinh phí để cải tạo, sửa chữa trong khi nguồn kinh phí nhà nước cấp còn hạn hẹp.
Vì vậy hàng năm các trường có nhu cầu cải tạo sửa chữa trường lớp, nhà vệ sinh, sân thể thao, nhà thi đấu... ngoài nguồn kinh phí nhà nước cấp, cần thêm nguồn vận động tài trợ từ xã hội hóa. Mỗi năm, các trường chỉ làm một vài hạng mục, nên hàng năm có vận động tài trợ theo nhu cầu, có sự thỏa thuận với phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm.
Về các thiết bị hỗ trợ dạy học như hệ thống âm thanh, máy chiếu, màn hình trong bị cho các lớp học nhằm nâng cao chất lượng dạy học, các trường cũng có kế hoạch vận động tài trợ trên cơ sở đã thống nhất với phụ huynh học sinh trong buổi họp đầu năm.
Phần lớn các đơn vị vẫn tập trung vận động từ phụ huynh học sinh thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhiều đơn vị chưa mở rộng đến các đối tượng vận động tài trợ khác trên địa bàn như các công ty, doanh nghiệp, mạnh thường quân...
Đầu năm học, phụ huynh học sinh phải lo nhiều khoản tiền mua sách, vở, dụng cụ học tập, quần áo đồng phục; nếu thêm các khoản vận động tài trợ cũng gây khó khăn cho phụ huynh học sinh.
Vì vậy, hướng khắc phục là các đơn vị trường học cần tiếp tục thực hiện mở rộng các đối tượng vận động tài trợ trên địa bàn, không chỉ tập trung vào một đối tượng là phụ huynh học sinh. Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng khẳng định các trường không tập trung vận động tài trợ vào đầu năm học.
Chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu bản sao chứng thực khi làm thủ tục hành chính
Khai mạc Hội nghị TW khóa 13, quyết định một số vấn đề về công tác cán bộ