Nam NSND khiếm thị ‘kiếm mấy chục tỷ’, sở hữu loạt bất động sản khủng tại TP. Hồ Chí Minh
Từng sáng tạo ra điệu nhạc nổi danh, sống giản dị giữa đời thường, nam NSND khiếm thị gây bất ngờ khi tiết lộ khối tài sản khủng tự tay gây dựng.
NSND Văn Giỏi (tên thật là Trần Văn Giỏi) là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu và có ảnh hưởng lớn trong làng cải lương miền Nam. Từ trước năm 1975 cho đến nay, ông vẫn luôn là biểu tượng nghệ thuật được nhiều thế hệ nghệ sĩ và khán giả yêu mến, kính trọng - một người gìn giữ và truyền lửa cho âm nhạc dân tộc.

Người NSND khiếm thị nhưng sở hữu tài năng cùng nghị lực phi thường
Sinh năm 1944 tại Cai Lậy (Tiền Giang), Văn Giỏi đã sớm tiếp xúc với đờn ca tài tử khi còn rất nhỏ. Năm 18 tuổi, ông đã thành thạo kỹ năng chơi đàn cổ và bắt đầu biểu diễn tại các chương trình văn nghệ ở quê nhà.
Theo thông tin từ Cải Lương Việt Nam, thuở nhỏ, nghệ sĩ Văn Giỏi vẫn có thể nhìn và vẫn sinh hoạt bình thường. Thậm chí khi trưởng thành, ông còn thường xuyên tự lái xe máy đi làm như bao người khác. Tuy nhiên, về sau ông mắc bệnh về mắt và dần dần mất đi thị lực.
Năm 24 tuổi, ông rời quê lên Sài Gòn để theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhờ sự giới thiệu của nghệ sĩ Chín Sớm, ông nhanh chóng được mời đờn cho nhiều ban ca kịch nổi tiếng như Thành Công, Trâm Hoa Miền Nam, Hương Thanh Bình…

Thời kỳ đó, Văn Giỏi là một trong những nhạc sĩ trẻ hiếm hoi nhận được sự mến mộ từ công chúng. Tài năng của ông được khẳng định khi ký hợp đồng dài hạn với hai hãng băng lớn nhất Sài Gòn: Việt Nam và Continental.
Tại đây, ông có cơ hội hợp tác với các danh cầm lừng danh như Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá… cùng thực hiện các bản hòa tấu, độc tấu nhạc cụ cho băng cassette do hãng Continental phát hành - những bản ghi âm đã trở thành kinh điển trong kho tàng cổ nhạc.
Không chỉ là người chơi guitar phím lõm xuất sắc, Văn Giỏi còn đờn sến cho hàng trăm chương trình vọng cổ và cải lương, được thu âm, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước. Sau ngày đất nước thống nhất, ông cộng tác với Sài Gòn Audio và không ngừng đổi mới sáng tạo - trong đó có việc tự phát triển hệ thống chữ đờn riêng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tân nhạc và cổ nhạc.

Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông cho cải lương là việc sáng tạo ra hai thể điệu mới: Phi Vân Điệp Khúc và Đoản Khúc Lam Giang. Cả hai được phát triển trên nền tảng cải lương ngũ cung, pha trộn tinh tế giữa âm hưởng dân ca Nam Bộ và chất trữ tình sâu lắng của ca Huế.
Hai thể điệu này nhanh chóng được các tác giả vọng cổ, cải lương đón nhận và đưa vào nhiều tác phẩm nổi tiếng. Bên cạnh đó, ông cùng NSƯT Thanh Hải cũng ghi dấu ấn khi cải biên làn điệu dân ca Vọng Kim Lang (Liên khu 5), tạo phong cách dạo đầu mới mẻ - một nét sáng tạo được yêu thích trong cải lương đương đại.
Trong thời gian dài, bộ đôi Văn Giỏi - Thanh Hải đã tạo nên dấu ấn đậm nét trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, đồng thời góp mặt trong hàng trăm chương trình cải lương quy mô như Vầng trăng cổ nhạc của HTV hay Giải Bông lúa vàng.
Sau khi danh cầm Văn Vĩ - người được xem là “đệ nhất danh cầm” - qua đời, giới nghệ thuật tôn vinh Văn Giỏi như một người kế vị xứng đáng cho cây đàn guitar phím lõm. Dẫu vậy, ông vẫn luôn khiêm nhường, chỉ xin được gọi là “nhạc sĩ” - và với ông, đó đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc và sự tận tâm dành cho nghệ thuật, năm 2007, Văn Giỏi đã được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tiếp nối những đóng góp không ngừng nghỉ trong sự nghiệp, ông vinh dự nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2019.
>> Gia đình hiếm có ở Việt Nam có đến 3 NSND, 3 NSƯT, cả mẹ và con gái đều là mỹ nhân nức tiếng
Cuộc sống viên mãn tuổi xế chiều
Bên cạnh sự nghiệp âm nhạc lẫy lừng, NSND Văn Giỏi còn là người chồng, người cha mẫu mực. Dẫu đắm say với âm nhạc, ông vẫn luôn chăm lo gia đình, nuôi dạy các con nên người. Ông có bốn người con, phần lớn hiện là doanh nhân thành đạt. Nhớ về những ngày tháng gian khó, ông xúc động chia sẻ: “Đi đàn lúc đó được bao nhiêu tiền cũng đều dành dụm, mang về cho vợ, để vợ lo cho gia đình”.

Thập niên 1960, thu nhập của ông từ đài phát thanh và các quán nhạc lên đến gần 15.000 đồng/tháng - trong khi giá vàng chỉ 10.000 đồng/lượng và tiền chợ mỗi ngày chỉ vài chục đồng. Nhờ cần kiệm, vợ chồng ông đã nuôi con ăn học, mua nhà và tích lũy tài sản bền vững.
Mới đây, khi trò chuyện với đạo diễn Khương Dừa, nhạc sĩ Văn Giỏi chia sẻ về cuộc sống hiện tại đầy viên mãn. Ở tuổi 81, ông vẫn giữ lối sống giản dị, thường xuyên mua vé số không phải để làm giàu, mà là để giúp đỡ người bán dạo: “Tôi ngồi quán này mỗi ngày, ngày nào cũng mua đến trên cả triệu tiền vé số, ai bán vé số qua hỏi cũng mua. Tôi mua vé số chủ yếu để giúp người ta.”

Ông cho biết từng trúng giải đặc biệt trị giá vào năm 2000, thời đó tương đương 8 cây vàng. Cũng vì vậy mà từ đó tới nay nghệ sĩ Văn Giỏi vẫn thường giữ thói quen mua vé số.
“Tôi học đờn từ mấy người cậu ruột trong nhà rồi theo nghề này luôn, từ 14 tuổi đã đi đờn. Tôi nghỉ hưu năm 72 tuổi, giờ cũng 10 năm rồi không đờn nữa.
22 tuổi tôi lên Sài Gòn sống, được má mua cho một căn nhà trong hẻm. Tôi ở đó tới năm 1982 thì mua được nhà mặt tiền. Sau này con tôi cất thành nhà 5 tầng, mua thêm một căn mặt tiền kế bên, nhập lại thành một căn mặt tiền rộng.
Ngoài ra, tôi còn một căn nhà một tầng và một căn nhà bốn tầng rưỡi nữa. Hiện tại tôi còn dư hai căn nhà để không không làm gì. Toàn bộ nhà là tiền tôi làm ra rồi tự mua hết. Tôi bắt đầu kiếm tiền từ năm 24 tuổi và kiếm đều tới năm 72 tuổi, tính ra cũng phải kiếm được vài chục tỷ", ông chia sẻ về khối tài sản hiện tại.
Ai từng gặp NSND Văn Giỏi đều ấn tượng bởi sự cởi mở, gần gũi và chân tình. Ông luôn mang trong mình tinh thần lạc quan, yêu đời, sống nghĩa tình và hay giúp đỡ người khó khăn. Chính những điều giản dị đó đã góp phần làm nên hình ảnh một danh cầm không chỉ tài hoa mà còn đầy nhân hậu - một biểu tượng sống của nền nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Tổng hợp
>> NSND từng là Giám đốc Nhà hát, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội