Xã hội

Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam

Minh Phát 06/05/2025 09:00

Đặc biệt, tại TP. Đà Nẵng, 4 con đường mang tên 4 thành viên của gia đình còn nằm cùng một quận.

Tại Việt Nam, hiếm có gia đình nào đặc biệt như gia đình nhà thơ Lưu Quang Thuận khi có tới 4 thành viên đều là những nghệ sĩ nổi tiếng của nền văn học nghệ thuật Việt Nam và cùng được vinh dự lấy tên để đặt cho nhiều con đường, tuyến phố.

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận

Lưu Quang Thuận (1921-1981), quê Đà Nẵng, từ nhỏ đã bộc lộ tài năng văn chương hiếm có. Khi học tại Trường tiểu học École Des Garçons de Tourane (nay là Trường tiểu học Phù Đổng, Đà Nẵng), ông từng đoạt giải nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Trung, được vua Bảo Đại thết cơm. Ngay từ thời đi học, ông đã có thơ và truyện ngắn đăng trên các báo ở Hà Nội, Sài Gòn, như truyện ngắn Đồng hào ván mới trên tuần báo Cậu ấm năm 1934.

Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam - ảnh 1
Chân dung nhà thơ Lưu Quang Thuận

Năm 1937, ông vào Sài Gòn dạy học, làm báo. Đến năm 1941, ông viết vở kịch đầu tay Chu Du đại chiến Uất Trì, được biểu diễn nhiều lần tại Đà Nẵng, Hội An và Hà Đông. Ra Hà Nội năm 1943, dù mưu sinh bằng nhiều nghề, kể cả kéo màn rạp hát, ông vẫn sáng tác không ngừng, cho ra đời hàng loạt vở kịch thơ và kịch nói.

Ông tham gia Ban kịch Anh Vũ, mở Nhà xuất bản Hoa Lư, sáng lập Tạp chí Sân khấu với số đầu tiên ra ngày 20/11/1946 và làm Giám đốc Việt Nam thư ấn cục tại Chiến khu Việt Bắc. Từ năm 1948, ông hoạt động trong các đoàn kịch và làm việc tại nhiều cơ quan văn hóa, báo chí, trước khi gắn bó với Nhà hát Chèo Việt Nam từ năm 1965 cho đến khi qua đời.

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Con trai ông là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948-1988), sinh tại Phú Thọ là một trong những nhà viết kịch xuất sắc nhất của thời kỳ hiện đại. Sau khi về Hà Nội năm 1954, ông học phổ thông, gia nhập quân đội năm 1965 và bắt đầu sáng tác thơ. Xuất ngũ năm 1970, ông làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng vẫn bền bỉ sáng tác.

Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam - ảnh 2
Nhà thơ Lưu Quang Vũ

Năm 1973, ông kết hôn với nhà thơ Xuân Quỳnh - người được mệnh danh là "nữ hoàng" thơ tình Việt Nam. Bà lớn hơn ông 6 tuổi và cả hai đã vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng một gia đình hạnh phúc, có chung một con trai. Từ năm 1978, khi làm Biên tập viên Tạp chí Sân khấu, ông viết vở kịch đầu tay Sống mãi tuổi 17, được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Sau khi cha qua đời, ông hoàn thành kịch bản Nàng Sita mà cha để lại, mở ra giai đoạn sáng tác bùng nổ. Trong 8 năm, ông viết hơn 50 vở kịch, với những tác phẩm như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Bệnh sĩ và trở thành những vở kịch kinh điển. Những năm 80, sân khấu cả nước rực rỡ với “sân khấu Lưu Quang Vũ”, khi có đêm tới 6 - 7 vở kịch của ông được diễn cùng lúc.

Năm 1988, ông hoàn thành các vở Trái tim trong trắng, Lời thề thứ chín, Điều không thể mất chỉ trong một tháng, trước khi qua đời cùng vợ và con trong tai nạn giao thông ngày 29/8/1988. Với gần 10 tập thơ, truyện ngắn và hơn 50 vở kịch, Lưu Quang Vũ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000, trở thành người trẻ nhất nhận vinh dự này.

Nhà thơ Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh - người vợ được nhà thơ Lưu Quang Vũ hết mực yêu thương. Bởi tài năng xuất sắc của mình, nhà thơ Xuân Quỳnh thậm chí còn được mệnh danh là "nữ hoàng" thơ tình Việt Nam. Suốt sự nghiệp sáng tác, bà đã để lại dấu ấn với những vần thơ sâu sắc, đậm chất nhân văn cho nền thơ ca hiện đại nước nhà, với những tác phẩm như Sóng, Thuyền và biển, đã chạm đến trái tim bao thế hệ.

Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam - ảnh 3
Nữ sĩ Xuân Quỳnh

Nhà thơ, nhà văn Lưu Trùng Dương

Lưu Trùng Dương (1930-2014), tên thật Lưu Quang Lũy, là em trai Lưu Quang Thuận và chú ruột Lưu Quang Vũ. Sinh ra tại Đà Nẵng, ông tham gia cách mạng từ sớm, trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và giữ nhiều vai trò quan trọng trong Hội Văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam - ảnh 4
Nhà thơ Lưu Trùng Dương

Với các bút danh như Trần Hướng Dương, Trần Thế Sự, Lưu Ly, ông sáng tác nhiều tác phẩm thơ nổi bật, giành 11 giải thưởng văn học, bao gồm Giải thưởng loại A Cuộc thi thơ miền Nam Trung Bộ 1948 với Bài ca tự túc, Giải thưởng Phạm Văn Đồng 1950-1951 với tập Thơ của người lính và Giải thưởng năm 2001 với tập Bài ca người Đà Nẵng. Ngày 14/4/2023, TP. Đà Nẵng đã gắn biển tên đường Lưu Trùng Dương tại khu dân cư Bá Tùng, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn.

Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam - ảnh 5
Gia đình nhà thơ Lưu Trùng Dương tiến hành nghi thức mở biển tên đường tại Đà Nẵng

Để ghi nhận những đóng góp to lớn của gia đình nghệ sĩ này, TP. Đà Nẵng đã đặt tên đường cho cả 4 thành viên tại quận Ngũ Hành Sơn: đường Lưu Quang Thuận dài 280m, rộng 7,5m và 5,5m tại phường Mỹ An; đường Lưu Quang Vũ dài 200m, rộng 6m tại phường Hòa Quý, đường Xuân Quỳnh và mới nhất là đường Lưu Trùng Dương. Ngoài Đà Nẵng, tên của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh còn xuất hiện trên các tuyến đường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định… khẳng định tầm vóc và ảnh hưởng của gia đình nghệ sĩ độc nhất vô nhị này trong văn hóa Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp

Ảnh: Internet

>> Gia đình duy nhất Việt Nam có 2 vợ chồng cùng được phong tặng NSND đợt đầu tiên, chồng là người sáng lập nền Kịch nói tại Việt Nam, vợ là diễn viên gạo cội

Người lính cụ Hồ từng nhờ đồng đội chặt đứt tay để phá đồn địch, trở thành anh hùng duy nhất Việt Nam được lấy tên đặt tên đường khi còn sống

Gia đình nữ Giáo sư Việt Nam được Bác Hồ đặc biệt quý mến, mẹ là liệt sĩ, bố là vị tướng duy nhất lịch sử hiện đại đánh bại 4 quốc gia, được lấy tên để đặt tên đường

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/gia-dinh-duy-nhat-ca-nuoc-co-toi-4-nghe-si-cung-duoc-lay-ten-de-dat-cho-ten-duong-nguoi-la-nha-viet-kich-noi-tieng-nguoi-duoc-menh-danh-la-nu-hoang-tho-tinh-viet-nam-141745.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Gia đình duy nhất cả nước có tới 4 nghệ sĩ cùng được lấy tên để đặt cho tên đường: Người là nhà viết kịch nổi tiếng, người được mệnh danh là ‘nữ hoàng' thơ tình Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH