NATO càng chia rẽ sâu sắc sau vụ rò rỉ kế hoạch tấn công cầu Crưm?
Đoạn ghi âm bị rò rỉ về kế hoạch được cho là của quân đội Đức nhằm giúp Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công cầu Crưm có thể gây ra rạn nứt giữa Berlin và các đồng minh NATO.
Đây là nhận định của tờ Wall Street Journal (WSJ) hôm 2/3. Trước đó, hôm 1/3, Tổng biên tập kênh truyền hình RT của Nga Margarita Simonyan đã công bố bản ghi âm bằng tiếng Nga về cuộc trò chuyện được cho là giữa một số sĩ quan cấp cao của Không quân Đức thảo luận về chi tiết hoạt động, và mục tiêu tấn công của tên lửa tầm xa Taurus mà Berlin đang tranh luận có nên gửi cho Kiev hay không.
Trong cuộc trao đổi, các quan chức Đức còn bàn cách đưa ra lời phủ nhận hợp lý, nếu Ukraine sử dụng tên lửa Taurus để tấn công cây cầu Crưm có tầm quan trọng chiến lược. Cầu Crưm dài 19km nối bán đảo Crưm với đất liền Nga từng nhiều lần bị các lực lượng Ukraine tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV).
Bộ Quốc phòng Đức sau đó xác nhận thông tin quan chức nước này bàn về kế hoạch tấn công cầu Crưm là sự thật, và đang tiến hành điều tra sự việc.
Dẫn lời giới chức Đức, tờ WSJ cho hay cuộc thảo luận diễn ra trên ứng dụng nhắn tin và gọi hội nghị trực tuyến không được mã hóa WebEx. Trong đó, một sĩ quan Đức được cho đã gọi điện từ phòng khách sạn ở Singapore. Giới chức Đức thường sử dụng WebEx để thảo luận các vấn đề nhạy cảm. Do đó, vụ rò rỉ sẽ là “lời cảnh tỉnh” đối với Berlin.
Ngoài tên lửa Taurus, các quan chức Đức còn được cho đã đề cập đến sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Ukraine nhằm giúp Kiev vận hành những vũ khí do phương Tây cung cấp. Giới chức Nga cũng từng tuyên bố sự hiện diện của binh sĩ phương Tây ở Ukraine "không có gì là bí mật".
Theo WSJ, đoạn ghi âm bị rò rỉ là "chiến thắng về mặt tuyên truyền của Điện Kremlin", bởi nó có thể gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đức và các đồng minh NATO. Tờ báo Mỹ nhận định, chuyện này cũng sẽ khiến việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine khó có khả năng xảy ra.
Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung hôm 3/3 cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn phản đối gửi tên lửa Taurus cho Kiev, và cảnh báo điều này có thể khiến xung đột Nga – Ukraine thêm leo thang.
Tên lửa hành trình tầm xa Taurus dành cho máy bay do Đức và Thụy Điển hợp tác sản xuất. Tầm bắn của tên lửa là hơn 500km. Taurus hiện được đánh giá là một trong những tên lửa hành trình tối tân nhất do châu Âu sản xuất.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã yêu cầu Berlin giải thích về đoạn ghi âm bị rò rỉ.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh, “Đức một lần nữa trở thành kẻ thù không đội trời chung của Nga” sau vụ rò rỉ thông tin.