Vĩ mô

'Nếu đưa nhà giáo ra khỏi viên chức Nhà nước sẽ là một thiệt thòi rất lớn'

Thu Hằng 17/09/2024 22:00

PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, nếu đưa nhà giáo ra khỏi Luật Viên chức như dự Luật Nhà giáo thì sẽ đẩy một bộ phận 70% viên chức rời khỏi khu vực viên chức Nhà nước, đó là một thiệt thòi rất lớn cho giáo viên.

Ngày 17/9, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để thực hiện 1 trong 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ Đại hội 13 là phát triển nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao), đội ngũ thầy, cô giáo giữ vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định trong giáo dục, đào tạo, dạy làm người, phát triển nghề nghiệp, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vẫn phải có đội ngũ viên chức là các nhà giáo

Theo ông Tuấn, Hiến pháp của nước ta qua các giai đoạn đều quy định “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Điều này nói lên phát triển sự nghiệp giáo dục luôn là chức năng và trách nhiệm của Nhà nước. Dù có chủ trương xã hội hóa (trường dân lập, tư thục) nhưng Nhà nước không thể chuyển hoàn toàn chức năng và trách nhiệm cho các tổ chức ngoài công lập thực hiện.

TranAnhTuan.jpg
TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: M.Đức

“Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm trong thực hiện “quốc sách hàng đầu”, vẫn phải có đội ngũ viên chức là các nhà giáo và được quản lý theo các quy định thống nhất của chế độ công vụ”, TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm là trụ cột của sự nghiệp giáo dục, đào tạo và cần tạo điều kiện cho khu vực ngoài công lập tham gia, phát triển để phát huy các nguồn lực trên cơ sở tuân thủ các quy luật của thị trường...

Ông Tuấn cho hay, dự thảo Luật Nhà giáo đã trình Chính phủ để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét gồm có 9 chương, 74 điều với nhiều nội dung.

Hội thảo sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý dưới các góc nhìn khác nhau để góp phần hoàn thiện dự thảo, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; tránh ban hành nhiều văn bản nhưng chất lượng thấp, trùng lặp, không có tính khả thi.

Từ đó bảo đảm tính thống nhất các chính sách về thu hút, tôn vinh, trọng dụng và đãi ngộ các nhà giáo không phân biệt công hay tư. Điều này cũng phù hợp các chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013, nhất là tiến trình xây dựng mô hình CNXH Việt Nam với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và phát huy nền dân chủ XHCN.

nguyenvanthuan.jpg
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận. Ảnh: M.Đức

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết, hiện nay đội ngũ giáo viên được chi phối bởi một loạt văn bản.

Cụ thể liên quan đến giáo dục mầm non, phổ thông và đại học có Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Nhóm nội dung liên quan đến tuyển dụng thì có Luật Viên chức, một số trường hợp chức danh lãnh đạo do Luật Cán bộ Công chức quy định, các quan hệ khác thì có Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân dự…

“Tóm lại, toàn bộ hệ thống pháp luật hiện nay đã chi phối đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ giáo dục. Vậy luật này quy định cái gì?”, ông Thuận đặt vấn đề.

Trả lời cho câu hỏi đặt ra có nên ban hành Luật này không, ông Thuận cho rằng “tôi thấy tốt nhất là không nên ban hành Luật Nhà giáo”.

Nên pháp điển hóa thành một Bộ luật Giáo dục

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, để có thể tôn vinh được nhà giáo hơn nữa, chấn hưng được nền giáo dục Việt Nam trong điều kiện hiện nay, việc hoàn thiện pháp luật về giáo dục, đào tạo và nhà giáo là điều cấp bách.

Tuy nhiên, ông Thông cho rằng, nội dung như dự thảo Luật quy định sẽ phá vỡ cấu trúc hệ thống pháp luật hiện nay.

LeMinhThong.jpg
PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: M.Đức

Bởi những vấn đề về nhà giáo đã được quy định rất nhiều trong các Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức… Nếu làm một luật riêng về nhà giáo với các nội dung này phải rút rất nhiều chế định từ các luật hiện hành, thu hút phần lớn các điều của Luật Viên chức về luật này.

“Nếu thu hút như thế này còn đâu là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và đặc biệt còn đâu là Luật Viên chức. Vì 1,6 triệu giáo viên và 900.000 giáo viên về hưu đặt trong Luật Viên chức, 70% biên chế viên chức nhà nước là giáo viên công lập. Giờ rút hết về đây Luật Viên chức có nên tồn tại nữa không, điều chỉnh ai? Có được luật này chúng ta lại phá vỡ cấu trúc luật khác”, PGS.TS Lê Minh Thông lo ngại.

Còn nếu đưa nhà giáo ra khỏi Luật Viên chức, nhà giáo công lập có còn là viên chức hay không? Theo ông Thông, viên chức nhà nước vị thế rất khác. Giờ đẩy nhà giáo ra khỏi khái niệm viên chức, đó là một thiệt thòi rất lớn cho giáo viên. Nhiều người sẽ giật mình khi mình ra khỏi bộ máy viên chức.

Từ đó, ông đề nghị ban soạn thảo nên cân nhắc lại đối tượng và phạm vi của dự luật nếu tiếp tục ban hành; Hoặc hoàn thiện các quy định có liên quan đến các luật hiện hành để tiếp tục nâng cao vị thế, trách nhiệm nhà giáo.

Hoặc ban hành một luật riêng phải xử lý lại một cách đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, để đảm bảo rằng luật này ban hành không phá vỡ cấu trúc logic của hệ thống pháp luật hiện nay, không làm mất đi độ cân đối trong nhiều điều khoản của các luật, đặc biệt là 3 luật liên quan đến giáo dục gồm: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam Trần Anh Tuấn đặt vấn đề, nên chăng xây dựng Bộ luật Giáo dục trên cơ sở hệ thống hóa (tập hợp và pháp điển hóa) các quy định của các luật hiện hành (Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp), trong đó có Chương Nhà giáo cho các loại hình giáo dục hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, đây là dự luật rất khó, có ý kiến đồng thuận, có ý kiến trái chiều.

Ngày 25/9, Thường vụ Quốc hội sẽ họp cho ý kiến về dự thảo luật. Sau đó, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trình chuẩn Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 8 tới đây.

Việc xây dựng dự thảo luật này được căn cứ vào Kết luận số 91 của Bộ Chính trị nêu rõ tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục, đào tạo, trong đó có nhiệm vụ sớm xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Nhà giáo quy định về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo, giấy phép hành nghề dạy học; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo.

Luật Nhà giáo áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

'Nhà giáo cần không gian, môi trường làm việc chứ không chỉ tiền lương'

Nên có bảng lương riêng cho nhà giáo

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/neu-dua-nha-giao-ra-khoi-vien-chuc-nha-nuoc-se-la-mot-thiet-thoi-rat-lon-2323176.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Nếu đưa nhà giáo ra khỏi viên chức Nhà nước sẽ là một thiệt thòi rất lớn'
    POWERED BY ONECMS & INTECH