Đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản bảo đảm tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn để thu hồi nợ song đây cũng là hoạt động khó khăn nhất đối với các nhà băng.
Ngân hàng liên tục giảm giá tài sản đảm bảo
Ngân hàng BIDV mới đây thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty TNHH May thêu Hoàng Long lần thứ 10 gồm quyền sử dụng đất và 372 máy móc thiết bị ngành may. Khối tài sản này từng được đưa ra bán với giá khởi điểm 39,6 tỷ đồng, là tổng dư nợ gốc và lãi, phí phát sinh đến cuối năm 2020. Hiện tài sản chỉ còn giá khởi điểm 13,6 tỷ đồng, giảm giá tới 2/3 so với giá ban đầu.
Cách đây không lâu, BIDV cũng thông báo bán đầu giá tài sản của CTCP Kiến trúc và xây dựng Archplus lần thứ 10 và ngừng giảm giá so với lần 9. Đây là khoản nợ liên quan tới ông Trương Việt Bình, được biết đến là người sáng lập thương hiệu thời trang NEM. Khoản nợ đến ngày 15/4/2021 có giá trị hơn 498 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ, nợ lãi là 174 tỷ và phí phạt quá hạn hơn 67 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá khởi điểm của khoản nợ được đưa ra lần này là 257 tỷ đồng, bằng với dư nợ gốc và bằng giá khởi điểm được đưa ra trong lần thông báo đấu giá thứ 9 (giữa tháng 10/2021).
Xem thêm: BIDV thông báo bán khoản nợ liên quan đến ông chủ thời trang NEM lần thứ 10
Trước đó, BIDV cũng rao bán khoản nợ của CTCP Tập đoàn Khải Vy với tổng dư nợ hơn 1.035 tỷ đồng. Khoản nợ được đảm bảo bởi cổ phần, bất động sản, xe ô tô, trong đó đáng chú ý nhất là tòa nhà Crystal Palace tại Quận 7, TP. HCM. Sau nhiều lần đấu giá không ai mua, giá khởi điểm giảm còn 602 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với giá rao bán ban đầu.
VietinBank cũng giảm giá mạnh nhiều khoản nợ sau nhiều lần đấu giá bất thành. Mới đây, VietinBank chi nhánh Nhơn Trạch thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH MTV Ngô Ánh lần thứ 6 để thu hồi nợ. Khoản nợ của công ty này đến tháng 6/2021 là hơn 108 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc 49,7 tỷ. Khoản nợ nay được rao bán với giá 51,45 tỷ đồng, chỉ cao hơn một chút so với dư nợ gốc.
Tương tự tại Agribank, ngân hàng vừa rao bán một lúc 6 khoản nợ, gồm khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Phương Nguyên và 5 khách hàng cá nhân, có tổng nợ hơn 200 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ là Dự án Khu dân cư lô số 49, Khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ, phường Hưng Thạnh, Quận Cái Răng, TP. Cần Thơ do CTCP Đầu tư và Xây dựng Số 8 làm chủ đầu tư. Giá khởi điểm của khoản nợ bằng với dư nợ gốc là 64 tỷ đồng.
Có thể thấy, dù "cầm đằng chuôi" khi nhận tài sản thế chấp là bất động sản, thậm chí là nhiều bất động sản khủng, ngân hàng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi thu hồi vốn từ các khoản nợ xấu.
Rao bán tài sản đảm bảo là phương án cuối cùng
Theo ngân hàng Agribank, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Song đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.
Về nguyên tắc, khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng, nếu vay có tài sản bảo đảm thì khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản (có thể là thế chấp tài sản của bên thứ ba hoặc thế chấp tài sản của chính khách hàng vay) và khi khách hàng không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, tại hội thảo do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, đại diện nhiều ngân hàng phản ánh tình trạng khách hàng tạo ra “tranh chấp giả” để kéo dài thời gian thi hành án.
Tại nhiều địa phương như TP. HCM trong các năm gần đây tỉ lệ các vụ việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng trên địa bàn được giải quyết mới đạt hơn 24%/năm. Thậm chí nhiều vụ việc thi hành án đã thụ lý trên 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Số tiền thu hồi theo đó cũng đạt rất thấp, có năm chỉ đạt gần 10%.
Con số trên cho thấy hoạt động thi hành án, xử lý phát mãi tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu thời gian qua gặp nhiều trở ngại và tốc độ xử lý nợ xấu thông qua khởi kiện tại Tòa án vẫn chậm hơn nhiều so với kỳ vọng của các ngân hàng.
Theo bà Nguyễn Hồ Thu Thủy, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho hay, hiện có rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các ngân hàng tại tòa án, đặc biệt là những vướng mắc liên quan đến việc khởi kiện và quá trình giải quyết tại tòa án các cấp.
Theo đó, có nhiều vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo như áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm; quy định về chủ thể của quan hệ bảo đảm bằng tài sản; việc xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản bảo đảm; đình chỉ thi hành án tài sản của bên thứ ba trong quá trình giải quyết phá sản…
Nhiều ngân hàng chịu áp lực nợ xấu tăng nhanh
Điều 'chưa từng có tiền lệ' trong chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng