Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết hiện nay, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, việc kéo dài Thông tư 14 là không cần thiết. Như vậy, doanh nghiệp chỉ còn được cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2022.
Thông tư 14/2021/TT-NHNN được ban hành tháng 9/2021 sửa đổi các Thông tư 01 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Thông tư 14, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí với số dư nợ gốc, hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Đến ngày 30/6/2022, tức là còn đúng nửa tháng nữa, thời hạn cơ cấu nợ theo theo quy định tại Thông tư 14 sẽ kết thúc.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Ngân hàng Nhà nước có xem xét kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 14 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân không?
ông Trần Đăng Phi, Phó Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết hiện nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp và người dân đã trở lại trạng thái hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, việc kéo dài Thông tư 14 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là không cần thiết.
Thêm vào đó, quy mô dư nợ tín dụng với các đối tượng được cơ cấu nợ theo Thông tư 14 chỉ chiếm 5% tổng dư nợ. Do đó, việc dừng thực hiện thông tư này cũng không khiến tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng nhiều.
“Với tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề kéo dài Thông tư 14”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi, đánh giá diễn biến dịch để đề xuất những giải pháp phù hợp để tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, người dân vượt qua đại dịch, đảm bảo miễn, giảm, cơ cấu nợ đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.
Liên quan đến việc kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 14 hay không, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến dừng thực hiện các quy định tại Thông tư này. Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng việc tiếp tục giãn nợ theo Thông tư 14 khiến nhiều nhóm nợ không được đặt đúng chỗ có thể những rủi ro tiềm ẩn vẫn cứ “ẩn” và điều đó không phải điều tốt.
Trong khi đó, bản thân doanh nghiệp cũng đến lúc cần tự nỗ lực, chứ không nên trông chờ dựa dẫm mãi vào chính sách, vì hiện tại các yếu tố kinh tế đã tốt hơn trước rất nhiều.
“Theo tôi nên dừng việc thực hiện theo các quy định tại Thông tư 14, bởi lẽ, dù là nợ xấu hay nợ dưới chuẩn được cơ cấu lại thì ngành Ngân hàng đang chịu rủi ro, nếu tiếp tục kéo dài thì sẽ kéo dài nỗi lo nợ trong tương lai.
Các tổ chức cũng nên nhìn nhận và đánh giá lại doanh nghiệp của mình, có giải pháp để tiếp tục duy trì, tìm kiếm nguồn vốn. Do đó, việc dừng Thông tư 14 vào thời điểm ngày 30/6/2022 là phù hợp để các tổ chức tín dụng có hướng xử lý dần những khoản nợ tiềm ẩn trong tương lai”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.