Ngân hàng Nhà nước: Sẽ yêu cầu định kỳ xác thực lại khách hàng

14-12-2023 07:21|PV

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ bổ sung yêu cầu định kỳ xác thực lại khách hàng, liên kết lại ví điện tử với tài khoản thanh toán đã được làm sạch.

Việc sử dụng hình thức chuyển tiền giữa cá nhân với nhau qua ví điện tử, tài khoản ngân hàng, đang giúp các đối tượng kinh doanh phi pháp tại Việt Nam thu lợi bất chính. Các giao dịch này được thực hiện nhanh chóng, tức thời, các ngân hàng cũng như các tổ chức ví điện tử rất khó có thể xác định được mục đích của giao dịch chuyển tiền để ngăn chặn. VietNamNet xin giới thiệu tuyến bài viết về vấn đề này.

Bài 1: Lợi dụng giao dịch cá nhân ngân hàng và ví điện tử để kinh doanh phi pháp
Bài 2: MoMo và ZaloPay nói gì khi bị lợi dụng thanh toán vi phạm pháp luật?
Bài 3: Ví điện tử mong kết nối CSDL quốc gia về dân cư để hạn chế thanh toán phi pháp

Trước tình trạng tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, trong đó có việc lợi dụng giao dịch cá nhân ngân hàng và ví điện tử để kinh doanh phi pháp, trao đổi với VietNamNet, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã triển khai, chỉ đạo triển khai một số giải pháp nhằm góp phần ngăn ngừa, hạn chế rủi ro tội phạm lợi dụng hoạt động thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp.

xacthuctt.png
Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng, trung gian thanh toán định kỳ xác thực lại khách hàng. Ảnh minh hoạ

Cụ thể, NHNN thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tham mưu các cấp liên quan sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, chú trọng yêu cầu về bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán và cung ứng dịch vụ ngân hàng bằng phương thức điện tử. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử và hiện NHNN đang rà soát để sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp.

Ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng, trong đó, có các văn bản khuyến nghị, cảnh báo toàn ngành về tăng cường phòng, chống, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động thanh toán.

Đơn cử, về mở tài khoản thanh toán (TKTT), đối với ví điện tử phải thực hiện kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ và phù hợp, khớp đúng của giấy tờ tùy thân với khách hàng, ưu tiên sử dụng CCCD gắn chip; Xem xét sử dụng dụng thiết bị chuyên dụng đọc thông tin CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID để đối chiếu, xác minh chính xác khách hàng.

Ví điện tử phải có biện pháp kiểm tra, đối chiếu đảm bảo việc sử dụng TKTT được thực hiện bởi chính chủ, hoặc người được ủy quyền hợp pháp; Nghiên cứu triển khai các giải pháp xác thực khách hàng đa thành tố đối với các giao dịch thanh toán, chuyển tiền có giá trị lớn, giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ hoặc khách hàng, giao dịch có mức độ rủi ro cao… 

Đồng thời NHNN cũng ban hành văn bản chỉ đạo nghiên cứu ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng; trong đó, có nội dung xây dựng kế hoạch làm sạch dữ liệu khách hàng cá nhân thông qua đối chiếu, xác thực dữ liệu khách hàng với nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu CCCD và triển khai các giải pháp rà soát, đối chiếu thông tin CCCD với chứng minh nhân dân của khách hàng để cập nhật, đồng nhất thông tin khách hàng, góp phần rà soát đối tượng nghi ngờ giả mạo giấy tờ tùy thân để mở TKTT.

Ngoài ra, NHNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh an toàn thanh toán. Điển hình, NHNN đã làm việc với Bộ Công an (C06) để trao đổi về việc triển khai thực hiện ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip điện tử phục vụ cho việc làm sạch dữ liệu định danh, xác thực khách hàng mở, sử dụng ví điện tử tại các tổ chức trung gian thanh toán. Các đơn vị NHNN đã làm việc với các đơn vị chức năng Bộ Công an (A05), có sự tham gia của một số ngân hàng thương mại về các giải pháp phối hợp ngăn chặn tình trạng mở, sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, sử dụng cho các hành vi vi phạm pháp luật, từ đó, rà soát, xác định các dấu hiệu khách hàng nghi ngờ liên quan đến gian lận, lừa đảo và việc phối hợp trao đổi thông tin về các trường hợp nghi ngờ liên quan đến tội phạm.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán, trong đó, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan mở và sử dụng TKTT, thẻ ngân hàng, ví điện tử, quy định chặt chẽ hơn về quy trình nhận biết, định danh khách hàng; bổ sung yêu cầu định kỳ xác thực lại khách hàng, liên kết lại ví điện tử với TKTT đã được làm sạch; dự kiến bổ sung quy định yêu cầu sử dụng CCCD gắn chip để mở TKTT, ví điện tử, thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử; áp dụng xác thực sinh trắc học đối với giao dịch chuyển tiền vượt hạn mức giao dịch nhất định...

Ngoài ra, NHNN cũng đảm bảo sự vận hành thông suốt, an toàn của các hệ thống thanh toán, trong đó, ưu tiên kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực khách hàng và ứng dụng, triển khai các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

NHNN tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác phòng chống tội phạm, phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo, bất hợp pháp; đẩy mạnh truyền thông, thông tin đến các khách hàng dưới nhiều hình thức để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện giao dịch thanh toán trên môi trường điện tử.

Cổ đông vượt trần sở hữu tại ngân hàng không được nhận cổ tức bằng tiền

Ngân hàng Nhà nước cập nhật quy định mới về giao dịch thẻ từ ngày 01/01/2025: Người dân cần lưu ý gì?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/ngan-hang-nha-nuoc-se-yeu-cau-dinh-ky-xac-thuc-lai-khach-hang-2224246.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng Nhà nước: Sẽ yêu cầu định kỳ xác thực lại khách hàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH