Ngân hàng SCB thanh lý loạt xe chở tiền, có thể bán lẻ từng chiếc
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo tìm chủ mới cho lô xe 23 chiếc chuyên dụng chở tiền và thanh lý 27 máy ATM đã qua sử dụng. Khách hàng quan tâm có thể mua từng chiếc riêng lẻ.
Lô xe chuyên dụng chở tiền bao gồm 17 xe nhãn hiệu Mitsubishi Pajero và 6 xe ô tô nhãn hiệu Hyundai Starex. Toàn bộ lô xe này đều do Công an TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký. Đây là hai mẫu xe được các ngân hàng ưu tiên lựa chọn khi trang bị dàn xe chở tiền, đặc biệt là dòng xe Mitsubishi Pajero.
Trong số 17 xe Mitsubishi Pajero, có hai chiếc sản xuất năm 2024 được SCB rao bán với giá khởi điểm 106,920 triệu đồng/chiếc. Duy nhất 1 chiếc sản xuất năm 2006 được rao bán với giá khởi điểm 136,08 triệu đồng. 5 chiếc được sản xuất từ năm 2007 được rao bán với giá khởi điểm từ 127-174 triệu đồng/chiếc.
Những chiếc còn lại trong lô xe Mitsubishi Pajero được sản xuất từ năm 2008, SCB rao bán với giá khởi điểm từ 171,72-180,63 triệu đồng/chiếc.
Đối với lô xe nhãn hiệu Hyundai Starex, toàn bộ đều được sản xuất năm 2008 nhưng mức giá khởi điểm của những chiếc xe này là khác nhau. Theo đó, mức giá khởi điểm thấp nhất là 179,82 triệu đồng/chiếc, giá khởi điểm cao nhất là 220,320 triệu đồng/chiếc.
Toàn bộ mức giá nêu trên đã bao gồm VAT. SCB chấp nhận bán riêng lẻ từng xe và chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Được biết, toàn bộ lô xe chuyên dụng này từng được SCB rao bán vào tháng 1/2024 với tổng mức giá khởi điểm là 3,987 tỷ đồng.
Mong muốn thanh lý tài sản của SCB đã thất bại do thời điểm đó ngân hàng công bố chỉ bán nguyên lô 23 xe (không bán lẻ từng xe).
“Rút kinh nghiệm” từ lần rao bán hồi tháng 1/2024, trong lần rao bán tiếp theo này SCB chấp nhận bán lẻ từng chiếc. Tuy nhiên, so với lần trước, giá khởi điểm của lần rao bán này vẫn không giảm dù chỉ một đồng.
Theo đánh giá của giới chơi xe, Mitsubishi Pajero chở tiền sản xuất giai đoạn 2006-2008 sử dụng động cơ V6 3.0L. Với những xe này, người dùng mua về thường đại tu nhiều hạng mục với chi phí vài chục đến vài trăm triệu đồng, tuỳ theo sở thích cá nhân và nhu cầu di chuyển. Trong đó có thể kể đến công đoạn tháo bỏ thùng chở tiền phía sau, đồng thời đại tu động cơ, hệ thống lái, bộ ly hợp, hệ thống phanh, hệ thống điện, sơn lại ngoại thất,...
Dòng xe chở tiền nói chung có nhược điểm là bị cắt hầu hết tính năng và trang bị, mọi thứ chỉ dừng ở mức cơ bản.
SCB cũng thông báo bán thanh lý 27 máy rút tiền tự động (ATM) đã qua sử dụng. Các máy ATM này đang được đặt riêng lẻ tại các điểm đặt máy trên nhiều tỉnh thành như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ninh,…
Khách hàng có thể đặt mua theo lô hoặc riêng lẻ từng chiếc. Tuy nhiên, SCB không công bố mức giá khởi điểm của từng chiếc.
Việc bán thanh lý máy ATM được cho là rất khó thực hiện, trừ khi ngân hàng thanh lý với giá… đồng nát cho đối tượng không phải là các ngân hàng.
Việc SCB ồ ạt thanh lý tài sản được cho là có liên quan đến việc nhà băng này đã liên tục dừng hoạt động khoảng gần 50 điểm giao dịch trên cả nước kể từ đầu năm 2023 đến nay.
Theo thống kê của VietNamNet, tính đến đầu tháng 4/2024 SCB đã đóng cửa 47 điểm giao dịch trên cả nước kể từ sau biến cố liên quan đến Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Kết thúc điều tra vụ lừa đảo, rửa tiền tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB
Kiểm toán Nhà nước đã cảnh báo các rủi ro của ngân hàng SCB từ năm 2019