Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tín dụng tăng trưởng chậm, việc đẩy mạnh thu từ các hoạt động ngoài lãi sẽ giảm bớt áp lực tăng trưởng tín dụng của các nhà băng.
Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn, chưa được phản ánh đúng thực tế khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19.
Theo NHNN, tính đến ngày 31/5, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng với dư nợ 336.663 tỷ đồng, chiếm 3,49% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế (9,65 triệu tỷ đồng). Và thậm chí, con số này có thể vẫn chưa dừng lại.
Cùng với đó, việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng cũng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp tới biên lãi ròng (NIM) của các nhà băng, qua đó ảnh hưởng tới lợi nhuận cả năm.
Những số liệu trên để cho thấy hoạt động tín dụng trong 6 tháng cuối năm sẽ không còn "đẹp" như nửa đầu năm, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Đó là lý do khiến các ngân hàng đều hướng về giải pháp tăng thu từ các hoạt động khác để bù lại. Đây không phải là một chiến lược mới nhưng đang được các ngân hàng tận dụng triệt để trong bối cảnh hiện nay.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân mới đây, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết việc giảm thu từ lãi, nhưng tăng được thu nhập ngoài lãi sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu ảnh hưởng từ việc hạ lãi suất cho vay. Do đó, Techcombank chưa có kế hoạch thay đổi mục tiêu kết quả kinh doanh trong năm nay.
Tương tự tại TPBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Hưng chia sẻ mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng nhìn chung, những nghiệp vụ chính về sinh lời, kể cả trên những kênh đầu tư, các mạng dịch vụ trên thị trường tiền tệ, tỷ giá... vẫn có những cơ hội tốt.