Trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính có tới 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, điều đó có nghĩa là ngân hàng đã để ra quỹ dự phòng vượt mức nợ xấu đã phát sinh.
Theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, càng cho thấy tiềm lực tài chính, khả năng sẵn sàng dùng các khoản dự phòng đã trích lập để xoá các món nợ khó thu hồi của các ngân hàng.
Với tình hình dịch bệnh hiện nay, nợ xấu của các ngân hàng tăng lên khi nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tạm dừng hoạt động, do vậy không thể trả nợ cho ngân hàng đúng hạn.
Đặc biệt sau khi NHNN ban hành Thông tư 03 cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khiến nợ xấu chưa được phản ánh thực chất, con số thực tế sẽ cao hơn trên sổ sách. Trong khi đó, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng lộ trình, do vậy một số nhà băng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt có thể đã chủ động trước trong việc trích lập.
Bên cạnh đó, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ông Hiếu cho rằng nợ xấu sẽ càng ngày càng nhiều, có thể khiến các ngân hàng rơi vào khủng hoảng. Do đó, vị chuyên gia ủng hộ việc các ngân hàng đẩy mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu như một cách để duy trì lợi nhuận và vẫn có sẵn nguồn lực để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.
Giảm áp lực trích lập dự phòng cuối năm
Chủ động trích lập dự phòng, giúp cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu, qua đó sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng cho khoảng thời gian tiếp theo.
Theo Chứng khoán ACB (ACBS), sự chuẩn bị của các ngân hàng trong các năm trước đã làm giảm áp lực phải tăng chi phí dự phòng trong năm 2021.
Ngoài ra, quy trình cho vay chặt chẽ hơn so với giai đoạn trước giúp hạn chế nợ xấu mới. Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như du lịch, nhà hàng, khách sạn... chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 1%) trong cơ cấu dư nợ của các ngân hàng.
Cùng với đó, các chuyên gia của ACBS cũng cho rằng không quá lo ngại về việc chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh do Thông tư 03 vì đa số nhà băng đều lạc quan về khả năng thu hồi các khoản nợ này. Đồng thời, ACBS kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm trở lại hoạt động với quyết tâm kiểm soát dịch bệnh quyết liệt và tiêm chủng toàn dân của Chính phủ.
Dưới góc nhìn của các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nợ xấu phát sinh do tác động của COVID-19 thấp hơn kỳ vọng ban đầu, nhiều ngân hàng đã ghi nhận quy mô dư nợ tái cơ cấu giảm. Nhiều ngân hàng đã hoàn thành trích lập dự phòng nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 ngay từ năm 2020.
Tuy nhiên, có quan điểm thận trọng hơn, VCBS cho rằng ngành ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo và ảnh hưởng lới lợi nhuận trong các năm sau nếu dịch bệnh COVID-19 chậm được kiểm soát.