Ngân hàng tự tin kiểm soát nợ tái cơ cấu

22-02-2022 14:54|Hoàng Yến

BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do tổng thu nhập tạo ra ở mức cao, có thể trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng.

Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ của NHNN sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022. Theo đó, nhiều ngân hàng đã đưa thêm các biện pháp xử lý nợ để tránh ảnh hưởng xấu tới lợi nhuận năm nay khi thời gian cơ cấu nợ với khách hàng gặp khó khăn do COVID-19 hết hạn.

Hầu hết ngân hàng đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và cho biết, khách hàng đang dần trả nợ khi kinh tế tăng trưởng trở lại sau giai đoạn giãn cách trong năm 2021, giúp sức khỏe doanh nghiệp được cải thiện. Vì thế, ngân hàng tự tin xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho lợi nhuận năm 2022.

Ông Lê Văn Bé Mười, Phó Tổng Giám đốc Viet Capital Bank cho hay, trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng không chỉ áp dụng một biện pháp cơ cấu nợ theo các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, mà áp dụng song song nhiều biện pháp để đồng hành cùng khách hàng, bao gồm hỗ trợ lãi suất, cấp thêm tín dụng trên cơ sở dòng tiền mới của khách hàng.

Viet Capital Bank đánh giá, với các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phục hồi kinh tế, sống chung với dịch trong điều kiện bình thường mới, đa phần các khách hàng đã cơ cấu nợ sẽ phục hồi được 70% hoạt động kinh doanh trong quý I/2022 và có khả năng trả nợ trong thời gian tới khi hoạt động kinh doanh tiếp tục khởi sắc.

Tương tự, ông Lê Hải, Tổng Giám đốc ABBank chia sẻ, năm 2021, trong bối cảnh vừa kinh doanh vừa chống dịch, Ngân hàng đã phải rất nỗ lực để hoàn thành mục tiêu kinh doanh.

Về các khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ kết thúc vào tháng 6/2022, ABBank tập trung đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và khả năng, thời điểm phục hồi sản xuất - kinh doanh của khách hàng để thực hiện phương án cơ cấu nợ phù hợp.

Bên cạnh đó, Ngân hàng tăng cường công cụ cho công tác phê duyệt tín dụng thông qua việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng (bao gồm PD, EAD, LGD) cho tất cả các phân khúc khách hàng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. ABBank đặt mục tiêu đến quý III/2022 sẽ mua lại hết trái phiếu VAMC (mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC).

“Các khoản cho vay của ABBank đều có tài sản bảo đảm có tính thanh khoản cao, là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng xử lý nợ trong thời gian tới. Ngoài ra, để chủ động trước nợ xấu có thể gia tăng từ nợ tái cơ cấu, ABBank sẽ chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro nhằm tăng bộ đệm chống đỡ”, ông Hải nói.

Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng khác đặt mục tiêu tăng trưởng 20 - 30% trong năm nay như MSB, ACB, VPBank..., chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân.

Theo các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), với chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay, tỷ lệ nợ xấu từ 1,6 - 1,7% dư nợ. Một số ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao như Vietcombank (424%), MSB (268%), VietinBank (171%)...

BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do tổng thu nhập tạo ra ở mức cao, có thể trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng. Kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi.

Ngân hàng nào vừa được nới 'room tín dụng' lên 18,4%?

Cổ đông vượt trần sở hữu tại ngân hàng không được nhận cổ tức bằng tiền

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-tu-tin-kiem-soat-no-tai-co-cau-132165.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng tự tin kiểm soát nợ tái cơ cấu
    POWERED BY ONECMS & INTECH