Mức xử phạt hành chính đối với một số nghệ sĩ, KOLs phát ngôn lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục hiện nay chưa đủ sức răn đe, đòi hỏi phải có hình thức xử lý cao hơn như xử lý hình sự.
Nguyễn Thị Lệ Nam (tức Nam Em) là trường hợp người nổi tiếng mới nhất bị xử phạt vi phạm hành chính vì những phát ngôn gây ồn ào trên mạng xã hội, lệch chuẩn, trái thuần phong mỹ tục. Theo Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Em “cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”. Nam Em bị xử phạt hành chính 37,5 triệu đồng.
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ TT&TT được tổ chức vào chiều ngày 6/3, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, mức phạt vi phạm hành chính hiện nay đối với các trường hợp như trên là từ 5 đến 10 triệu đồng và các sở thường chọn mức ở giữa 7,5 triệu đồng. Với một bộ phận lớn người dân, đây là mức xử phạt hành chính có tác động lớn. Tuy nhiên, mức phạt này chưa đủ sức răn đe với một số đối tượng khác như người nổi tiếng, nghệ sĩ, KOLs, người bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Ông Lê Quang Tự Do chia sẻ, có trường hợp nghệ sĩ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng, do đó, ngay cả khi bị xử phạt số tiền trăm triệu đồng, họ cũng không lo lắng. Ông đánh giá “nhận thức của người bị xử phạt hành chính lúc này đã lệch qua một chiều hướng khác”.
>> Thử nghiệm mua sắm bằng khuôn mặt tại châu Á từ năm 2024
Để xử lý tình trạng nói trên, Bộ TT&TT đang đồng thời làm hai việc: thứ nhất, Bộ TT&TT vừa trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72, bổ sung một loạt quy định với hoạt động trên mạng xã hội, không gian mạng. Khi Nghị định thay thế được ban hành, dự kiến giữa năm 2024, Bộ TT&TT sẽ tham mưu quy định xử phạt mới, tăng mức tiền phạt cũng như hình phạt bổ sung với hành vi vi phạm trên không gian mạng để tăng sức răn đe.
Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh: “Trong một số trường hợp, tăng mức phạt như thế nào cũng không đủ. Khi họ có nhận thức khác về pháp luật, phải có hình thức xử lý cao hơn hành chính, chẳng hạn xử lý hình sự”.
Theo ông Lê Quang Tự Do, việc hạn chế phạm vi tiếp cận đông đảo khán giả của người nổi tiếng, nghệ sĩ, người bán hàng... cũng là một hình thức xử phạt đảm bảo tính răn đe cao hơn.
Dù vậy, trong quá trình xử lý vi phạm, Bộ TT&TT còn gặp một số khó khăn, nhưng nằm ở bản chất của không gian mạng. Đó là nhiều trường hợp không thể xác định được danh tính thật, địa chỉ, hoặc đang sinh sống ở nước ngoài. Bộ đang khắc phục tình trạng danh tính ảo bằng cách bổ sung quy định xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động trong Nghị định thay thế Nghị định 72.
Đặt hàng công cụ giám sát livestream
Cũng tại buổi họp báo, trước câu hỏi về hiện tượng một số diễn viên, ca sĩ, KOLs, người nổi tiếng quảng cáo game cờ bạc đổi thưởng, ông Lê Quang Tự Do cho biết, Bộ TT&TT đã ghi nhận thông qua phản ánh trên báo chí. Dựa trên cơ sở đó, Bộ tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đây không phải hiện tượng mới. Trước đây, có những hình thức quảng cáo trá hình như nghệ sĩ mặc áo in dòng chữ liên tưởng đến website cờ bạc, cá độ... Có những vi phạm rõ ràng có thể xử lý được, nhưng với những trường hợp cố tình “lách”, chưa chứng minh được sẽ có biện pháp xử lý khác bên cạnh nhắc nhở.
Trên Facebook, TikTok, nhiều người lợi dụng tính năng livestream để quảng cáo cờ bạc công khai hay giới thiệu dịch vụ nhạy cảm như khiêu dâm, mại dâm. Đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử thừa nhận đang gặp khó khăn khi phát triển công cụ giám sát hình ảnh, video theo thời gian thực. Thời gian qua, Bộ TT&TT đã làm việc với một số công ty công nghệ lớn để ra công cụ giám sát video, dù vậy, các công cụ này mới dừng ở hình thức thụ động, đó là tải về rồi rà quét thay vì giám sát thời gian thực.
Ngoài ra, Bộ cũng làm việc với các nền tảng, chủ yếu là nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu họ phát triển công cụ giám sát livestream, có trách nhiệm chủ động rà và chặn nội dung độc hại. Cục còn đặt hàng các công ty công nghệ như Viettel, FPT để phát triển công cụ tương tự.
Gọi đây là “cuộc rượt đuổi giữa chính và tà”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do mong muốn, trong khi chưa có đầy đủ công cụ giám sát, người dân và báo chí phát hiện nội dung độc hại có thể chụp màn hình, quay video gửi cơ quan quản lý. Từ đó, nhà chức trách có sở cứ quản lý, nhất là người nổi tiếng, có thể định danh được.
>> Thu hồi tên miền ".vn": Chủ website sẽ được báo trước 3 tháng