Ngày 4/5/2022 vừa qua, sau cuộc họp chính sách định kỳ tháng 5, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm %, lên mức 0,75%-1%, đây là mức tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 5/2020 nhằm kiềm chế lạm phát.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lãi suất của FED sẽ có tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cụ thể, khi FED tăng lãi suất, một số nhà đầu tư e ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác nhằm trú ẩn rủi ro và hưởng lãi suất cao hơn trước, khiến dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi hay những thị trường cận biên như Việt Nam đảo chiều.
Bài viết này sẽ kiểm định nhận định trên, thông qua đánh giá mức độ ảnh hưởng thực tế của các lần thay đổi lãi suất FED tới dòng vốn FDI vào Việt Nam trong quá khứ.
Thống kê giai đoạn từ 2009 đến 2022, FED đã trải qua 16 điều chỉnh lãi suất, trong đó có 11 lần điều chỉnh tăng và 5 lần điều chỉnh giảm. Hình 1 cho thấy nếu xét theo năm, biến động lãi suất của FED không thực sự ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn FDI vào Việt Nam thông qua 2 yếu tố là Vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện. Vậy hãy cũng làm rõ thêm ảnh hưởng ngắn hạn hơn theo từng Quý.
Kiểm chứng sự tương quan giữa biến động tăng/giảm số vốn FDI đăng ký trong quý có sự kiện tăng lãi suất của FED
Dữ liệu được sử dụng là: (1) tỷ lệ tăng/giảm số vốn FDI đăng ký trong quý so với quý trước liền kề và (2) mức độ tăng lãi suất mà FED điều chỉnh trong quá khứ.
Theo Hình 2, kết quả kiểm tra cho thấy không có sự tương quan đáng kể giữa việc tăng lãi suất của FED và % tăng/giảm vốn FDI. Do đó, không thể kết luận việc tăng lãi suất của FED sẽ khiến dòng vốn vào thị trường Việt Nam đảo chiều trong ngắn hạn.
Thống kê số liệu vốn FDI thực hiện ở 4 quý sau các thời điểm FED tăng lãi suất trong quá khứ
Với giá trị T là thời điểm FED thực hiện việc nâng lãi suất, chúng tôi tiến hành thống kê % tăng/giảm vốn FDI thực hiện ở thời điểm T+1 đến T+4, tương ứng với 1 quý đến 4 quý so với thời điểm T. Trong Hình 3 dưới đây, 9 lần điều chỉnh tăng lãi suất của FED từ Q4/2015 đến Q4/2018 (thời điểm T) được thể hiện trên hàng dọc bên trái.
Kết quả Hình 3 ở trên cho thấy:
· Sau lần tăng lãi suất của FED trong Q4/2015 (lần đầu tiên FED tăng lãi suất sau gần một thập kỷ) dòng vốn FDI thực hiện vào Việt Nam giảm ở cả 4 quý so với thời điểm T. Đây là mối tương quan rõ nhất có thể thấy trong quá khứ.
· Ở những lần tăng lãi suất của FED sau đó, xu hướng giảm không còn rõ như ở Q4/2015. Ở một số lần điều chỉnh trong năm 2017, 2018, vốn FDI thực hiện thậm chí có xu hướng tăng sau đó, điển hình như những lần tăng lãi suất ở Q1, Q2/2017 và Q1, Q2/2018.
Kết luận:
Qua các số liệu thống kê ở trên, chúng ta có thể thấy được dòng vốn FDI vào Việt Nam không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lần nâng lãi suất của FED. Điều này có thể được lý giải bởi các nguyên nhân sau:
· Dòng vốn FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ các quốc gia Châu Á (Top 4: Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan).
· Địa chính trị tại Việt Nam ổn định với lực lượng lao động dồi dào, tay nghề nhân công được các doanh nghiệp tập trung nâng cao và có chi phí cạnh tranh.
· Việt Nam là một trong các quốc gia hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan khi tính đến hết 20/03/2022, Việt Nam hiện có 34.815 dự án còn hiệu lực với tổng vốn FDI đăng ký là 422,8 tỷ USD (Nguồn: Tổng cục thống kê).
Chất lượng dòng vốn FDI sẽ quyết định cơ cấu kinh tế, sản xuất và lao động trong dài hạn của quốc gia nhận được vốn. Như vậy, việc thu hút được FDI chính là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút được dòng vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư lớn, điều đó sẽ góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam.