Ngôi chùa hơn 800 năm tuổi sắp được phục dựng nguyên trạng sau gần một năm bị cháy
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có ý kiến thỏa thuận về nhiều nội dung của dự án, bao gồm quy hoạch tổng thể mặt bằng di tích; phương án phục dựng Tam bảo theo kiến trúc gốc trước khi bị cháy.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc thẩm định dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Xuân Lũng tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao.
Sau quá trình xem xét hồ sơ, Bộ đã có ý kiến thỏa thuận về nhiều nội dung của dự án, bao gồm quy hoạch tổng thể mặt bằng di tích; phương án phục dựng Tam bảo theo kiến trúc gốc trước khi bị cháy; xây dựng lại Tam quan, nhà Mẫu, nhà vệ sinh; xây mới các hạng mục như nhà giảng đường, nhà Tăng, nhà sắp lễ, lầu hóa vàng, nhà bếp, nhà vệ sinh; cải tạo sân vườn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, Bộ lưu ý cần giảm quy mô nhà giảng đường để đảm bảo phù hợp với không gian di tích. Riêng với Tam bảo, yêu cầu thiết kế bộ vì theo mẫu kiến trúc cũ trước khi hỏa hoạn xảy ra.

Về bố trí nội thất và đồ thờ, Bộ đề nghị không lắp cửa võng tại các trục được nêu trong văn bản, đồng thời không sử dụng đèn tuýp chiếu sáng bên trong các công trình.
Đáng chú ý, Bộ nhấn mạnh việc bảo tồn hệ thống hiện vật còn lại tại Tam bảo, trong đó có các tượng thờ bằng đất, bằng gỗ có giá trị lịch sử, nghệ thuật.
UBND tỉnh Phú Thọ được đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát, đánh giá hiện vật, đề xuất giải pháp tu bổ phù hợp và bảo tồn tối đa. Trường hợp không thể tái sử dụng, cần lựa chọn hiện vật có giá trị để lưu giữ tại di tích.
Đối với Bảo vật quốc gia - Bàn thờ Phật bằng đá, việc di dời chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết phục vụ công tác tu bổ và phải có phương án bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt quá trình vận chuyển, theo chỉ đạo tại Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH của Bộ ban hành trước đó.
Ngoài ra, Bộ đề nghị điều chỉnh thiết kế nhà sắp lễ theo hướng sử dụng kiến trúc tường hồi bít đốc, không làm mái đao để đảm bảo tính hài hòa và phù hợp với cảnh quan di tích.
Hồ sơ dự án cần bổ sung một số nội dung như: tư liệu và ảnh màu hiện trạng các công trình, đặc biệt là hình ảnh Tam bảo trước khi bị cháy; lịch sử xây dựng các hạng mục; cùng ý kiến bằng văn bản của nhân dân địa phương về phương án mặt bằng, tu bổ, xây mới và bố trí thờ tự.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4839/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Phú Thọ, đề nghị sớm đưa ra phương án tổng thể về bảo vệ, bảo quản và phục hồi di tích chùa Xuân Lũng sau vụ cháy.
Theo báo cáo thực địa của đoàn công tác, kiến trúc và hệ thống hiện vật tại đây, bao gồm cả bảo vật quốc gia, tượng đất, tượng gỗ… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, Bộ cũng đề nghị tỉnh sớm điều tra, kết luận nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm và tăng cường công tác bảo vệ các di tích khác trên địa bàn.
Ngày 23/10/2024, Tam bảo bị cháy, bàn thờ Phật bằng đá - bảo vật quốc gia được công nhận năm 2021 - bị vỡ cánh sen. Đây là một trong năm bảo vật quốc gia của Phú Thọ, bên cạnh trống đồng Đền Hùng, bộ khóa đai lưng bằng đồng, sưu tập nha chương và tượng Mẫu Âu Cơ.
Chùa Phổ Quang gồm Tam bảo, gác chuông và nhà Tổ được xây dựng cách đây hơn 800 năm, xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1980.
>> Tỉnh có đường bờ biển đẹp nhất Việt Nam sẽ có khu đô thị, nghỉ dưỡng, du lịch hơn 5.000ha