Ngôi chùa nghìn năm tuổi cách Hà Nội hơn 70km lưu giữ ‘báu vật’ Phật giáo điêu khắc từ gỗ cổ, được công nhận Bảo vật Quốc gia
Đây là một trong ba kiệt tác của kiến trúc nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền trong các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam còn lưu giữ được đến ngày nay.
Có tuổi đời hơn 1.000 năm, chùa Động Ngọ (tên cổ là Linh Ứng, tên thường gọi là Động Ngọ hoặc Đồng Ngọ), từng là trung tâm Phật giáo quan trọng của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn mang đậm dấu ấn kiến trúc cuối thế kỷ XVII và được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Đặc biệt, chùa Động Ngọ là nơi lưu giữ tháp Cửu phẩm Liên hoa – một trong ba tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền xuất sắc của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Theo Báo Dân Trí, Đại đức Thích Thanh Thắng - trụ trì chùa Động Ngọ - cho biết: “Tòa Cửu phẩm Liên hoa được bố trí nằm giữa chính điện và nhà tổ do thiền sư Chân Nguyên dựng vào mùa xuân năm Nhâm Thân (năm 1692) thời vua Lê Hy Tông. Theo tấm bia “Kiến khai Cửu phẩm Liên hoa bi ký” (năm 1692) ở chùa thì cây cửu phẩm cao trên 5m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng tượng trưng cho 9 bông hoa sen xếp chồng lên nhau”.
Mỗi mặt của Cửu phẩm Liên hoa gắn 3 pho tượng Phật, ở giữa là Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù, Phổ Hiển Bồ Tát, tổng số 163 pho tượng. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng vô cùng tinh xảo.
Bảo vật Quốc gia Cửu phẩm Liên hoa là một công trình kiến trúc độc đáo. Trong 163 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất 60 pho, những pho tượng hiện giờ đều mới được làm khi trùng tu.
Ngoài tháp Cửu phẩm Liên hoa, chùa Động Ngọ còn nổi tiếng với bộ sưu tập đá với hơn 2.000 hiện vật, trong đó có hơn 600 chiếc cối đá với kích cỡ đa dạng, tạo thành một bộ sưu tập cối đá lớn nhất tại Việt Nam.
Gần 30 năm trước, Đại đức Thích Thanh Thắng đã thu thập những hiện vật bằng đá như cối, chậu, cầu và con tuốt lúa từ khắp nơi ở đồng bằng sông Hồng, lưu giữ những vật dụng gắn bó với đời sống người nông dân một thời nhưng giờ đã bị lãng quên.
Bộ sưu tập đá của chùa Động Ngọ còn có những chiếc cầu đá tinh xảo có niên đại 340 năm, được phối hợp hài hòa với hồ sen nhỏ tạo nên không gian thanh bình, thơ mộng.
Chùa hiện đã được trùng tu khang trang với nhà tam bảo rộng 4 gian chứa 21 bức tượng thờ được sắp xếp trang trọng. Sau tam bảo là tổ đường 3 gian 4 mái, nằm trên nền cao, hướng ra cây đại cổ thụ hơn 300 năm tuổi.
Theo dòng chữ khắc trên nóc chùa: “Thái Bình nhị niên thừa Khuông Việt chỉ truyền hạ chiếu tạo tự. Đại Chính nguyên niên sắc tỷ kỳ ly tự Đào Chu trụ trì” thì chùa do nhà sư Khuông Việt khởi dựng vào năm 971. Năm 1530, nhà sư Đào Chu trụ trì tại đây đã trùng tu lại. Ngôi chùa còn nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Tại chùa còn nhiều chân tảng, ngói mũi hài cỡ lớn thời Lý, Trần.
Hiện, chùa Động Ngọ cùng với chùa Giám là hai ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Hải Dương.
>> Có thể phục dựng được 90% bảo vật quốc gia chùa Phổ Quang vừa bị cháy rụi