'Báu vật' trăm năm tuổi được tạc từ gỗ quý nguyên khối, nằm trong ngôi chùa cổ được xếp hạng Di tích Nghệ thuật cấp quốc gia
Các tượng Phật nơi đây được chế tác từ gỗ quý, sơn son thếp vàng.
Chùa Long Quang nằm tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là nơi đang sở hữu và thờ cúng khoảng 50 tượng Phật bằng gỗ rất có giá trị, trong đó nổi bật nhất là bộ 18 vị La Hán.
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chùa Long Quang do Hòa thượng Thiện Quyền khai sơn vào năm Minh Mạng thứ V (1824). Ban đầu, đây là ngôi am tranh, đến năm 1835, Hòa thượng Thiện Quyền cho xây dựng thành chùa và đặt tên là Long Trường Tự. Ngôi chùa Long Trường Tự đơn sơ bằng gỗ ngói như bao ngôi chùa khác.
Cho đến năm 1875, Hòa thượng Quảng Hiền, trụ trì chùa lúc bấy giờ cho trùng tu lại ngôi chùa và đổi tên Long Trường Tự thành Long Quang Tự. Trong thời kỳ chiến tranh, nơi đây được xem là một trong những cơ sở thờ tự Phật giáo tiêu biểu góp phần trong công cuộc giành lại độc lập cho Tổ quốc, mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Vào ngày 21/6/1993, với những giá trị nổi bật về văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và lịch sử, chùa Long Quang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Nghệ thuật cấp quốc gia.
Cho đến nay, chùa Long Quang đã tồn tại được 200 năm và là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Cần Thơ. Không chỉ là nơi tín ngưỡng thờ Phật, nơi đây còn là một điểm tham quan du lịch tâm linh. Chùa có khuôn viên rộng khoảng 12.000m2, bao gồm: cổng tam quan, chính điện, giảng đường, trai đường, thiền đường. Vào năm 2023, được sự chấp thuận của UBND TP. Cần Thơ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP. Cần Thơ đã ban hành quyết định chuyển đổi danh xưng từ chùa Long Quang thành Tổ đình Long Quang.
Điểm nổi bật của Tổ đình Long Quang là nơi đây còn lưu giữ bộ tượng gỗ rất giá trị. Theo đó, vào năm 1922, Hòa thượng Từ Quang (trụ trì chùa) đã rước thợ về tạc 50 tượng Phật và làm trong khoảng một năm thì xong. Theo Báo VietNamNet, những bức tượng Phật trong chùa Long Quang được tạc bằng loại gỗ giáng hương nguyên khối và sơn son thếp vàng.
Trong đó, 18 vị La Hán trong Tổ đình Long Quang được tạc mặc áo choàng. Trên tay mỗi vị cầm một bảo bối khác nhau, tượng trưng cho phẩm hạnh, đức độ hoặc phương tiện mà các vị chứng quả. Đặc biệt, mỗi vị La Hán đều có biểu hiện cảm xúc riêng và tư thế khác nhau.
Thêm vào đó, những chi tiết nhỏ nhất như mắt, ngón tay hay các góc cạnh y phục của các bức tượng… đều được thợ chạm trổ tỉ mỉ và sống động. Bộ tượng gỗ cũng mang ý nghĩa giúp cho con người xóa bỏ lỗi lầm của quá khứ để hướng về những điều tốt đẹp.