Bí ẩn sau 122 bức tượng đất nung hàng nghìn năm tuổi tại ngôi chùa có tam quan lớn nhất Việt Nam, từng bị nhấn chìm trong nhiều trận đại hồng thủy nhưng vẫn nguyên vẹn
Vượt qua nhiều tác động lịch sử và những trận đại hồng thủy "long trời lở đất", 122 bức tượng đất nung vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay.
Cổ tự hiếm hoi còn sót lại trên đất Phố Hiến
Xuôi theo quốc lộ 5 từ Hà Nội đi Hải Phòng khoảng 40 km, bạn sẽ đến làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Được xây dựng từ thời Hậu Lê, chùa Nôm vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính sau hàng trăm năm tồn tại. Đây là ngôi làng cổ hiếm hoi còn sót lại của Phố Hiến, nơi vẫn bảo tồn quần thể di tích lịch sử và văn hóa độc đáo, với những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Điểm nhấn đặc biệt nhất tại chùa Nôm là bệ tượng đồng cổ phủ vàng với hình tượng "Cửu Long Phật Đản". Không chỉ vậy, tam quan của chùa Nôm đang giữ kỷ lục lớn nhất Việt Nam và được xếp vào hạng cao và đồ sộ bậc nhất Đông Nam Á.
Trước đây, chùa Nôm được bao quanh bởi một khu rừng thông huyền bí, vì vậy mà chùa còn được gọi là Linh Thông Cổ Tự, nghĩa là "ngôi chùa thông cổ linh thiêng". Tuy nhiên, tên gọi "chùa Nôm" phổ biến hơn do chùa nằm gần chợ Nôm.
Không chỉ là một địa điểm với phong cảnh hữu tình, chùa Nôm còn gắn liền với những câu chuyện mang màu sắc huyền bí. Dù không ai biết chắc có tồn tại sức mạnh thần thánh hay không, nhưng nhiều người dân vẫn tin tưởng và cầu mong điều kỳ diệu từ ngôi chùa.
Chuyện lạ kỳ về 122 bức tượng đất nung
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, sư thầy Thích Minh Đức cho biết, trước đây, chùa Dâu (Bắc Ninh) và chùa Nôm đều thuộc phủ Siêu Lai (nay là Thuận An, Thuận Thành, Bắc Ninh). Điều đặc biệt là chùa Nôm vẫn giữ gần như nguyên vẹn 122 pho tượng Phật cổ, hầu hết chưa bị sửa chữa nhiều. Lần trùng tu các pho tượng gần đây nhất là cách đây gần 500 năm, vào năm 1680.
Sư thầy Thích Minh Đức chia sẻ rằng, theo đánh giá của các nhà khoa học, một số bức tượng tại chùa Nôm, với các nếp nhăn trên áo và nhiều đặc trưng độc đáo khác, là những tác phẩm tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 18. Theo truyền thuyết, các pho tượng được tạo nên từ sự kết hợp đặc biệt của mật ong, giấy dó và đất sét. Ngón tay tượng được làm từ tre, gỗ, trong khi tà áo hoàn toàn từ đất sét.
Trải qua bao thăng trầm, từ những trận “hồng thủy” lũ lụt đến loạn lạc, các pho tượng Phật và nơi thờ tự vẫn tồn tại nguyên vẹn, không bị phá hủy. Trả lời PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Nguyễn Văn Hiếu, 80 tuổi, một bậc cao niên sinh ra và lớn lên ngay cạnh chùa, kể lại: "Dân làng ai cũng ngạc nhiên khi thấy sau hàng thế kỷ, 122 pho tượng vẫn giữ nguyên vẹn, chưa từng phải tu sửa. Theo lời các cụ truyền lại, chùa Nôm đã hứng chịu nhiều trận ngập lụt kinh hoàng".
Ông Hiếu nhắc đến trận lũ lịch sử năm 1945, khi nhiều vùng miền Bắc bị nhấn chìm do vỡ đê từ các con sông lớn. Chùa Nôm cũng chìm trong nước, với mức ngập đến tận nóc. Sau trận đại hồng thủy, không ai tin rằng những pho tượng đất có thể sống sót sau cả tháng ngâm trong nước phù sa. Tuy nhiên, khi nước rút, người dân ngỡ ngàng phát hiện các pho tượng vẫn nguyên vẹn, sáng bóng sau khi được rửa trôi lớp bùn đất.
Những trận lũ lớn khác xảy ra vào năm 1971 và 1986 cũng ngâm các pho tượng trong nước suốt nhiều ngày, nhưng chúng vẫn không hề hư hại. Theo truyền thuyết, những pho tượng quý hiếm này được thần linh bảo vệ, giúp chúng vượt qua bao biến động của lịch sử và thiên tai.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác tuổi đời của những pho tượng Thập bát La Hán. Có người cho rằng chúng đã tồn tại vài trăm năm, trong khi có ý kiến khẳng định chúng đã có từ hàng nghìn năm trước.
Tuy nhiên, các pho tượng này, nằm trong hai dãy hành lang chùa Nôm, được đánh giá là tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc từ thế kỷ 10 đến 13. Điều này cho thấy, rất có thể những pho tượng đất này đã được các nghệ nhân tạo tác từ thời Lý - Trần, tức là đã tồn tại khoảng 1.000 năm.
Khi được hỏi về việc tu sửa và bảo dưỡng các pho tượng cổ, sư thầy Thích Minh Đức chia sẻ: "Việc tu sửa tượng cổ có thể ví như việc bôi trát một lớp mới lên khuôn mặt đã nhọ nhem. Nếu các pho tượng chưa xuống cấp nghiêm trọng, nhà chùa muốn giữ nguyên vẻ cổ kính và nguyên bản nhất có thể."
Mỗi năm, hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến thăm chùa và tham gia các nghi lễ truyền thống. Có những người sau khi "cầu được ước thấy", với mong muốn thăng tiến trong sự nghiệp, gia đình hạnh phúc, đã quay lại đáp lễ bằng việc đóng góp cho việc tu sửa và mở rộng khu vực xung quanh chùa.
Nguồn: Tổng hợp