Ngôi chùa ở Nam Định gần ngàn năm tuổi, nơi có 'báu vật' nặng 9 tấn giữa lòng hồ
Được xây dựng từ thời Lý với tên tự Thần Quang, chùa Cổ Lễ là quần thể kiến trúc phật giáo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Nằm trên khu đất rộng hơn 10 mẫu Bắc Bộ tại huyện Trực Ninh (Nam Định), chùa Cổ Lễ hiện lên yên bình, trầm mặc giữa những khu nhà ở cao tầng, hiện đại. Ngôi chùa gần nghìn năm tuổi với những bức tường rêu phong bạc màu ấy đã âm thầm chứng kiến biết bao đổi thay của thời đại; lưu giữ trong mình sự trôi chảy của thời gian, của lịch sử và cả những giá trị văn hoá không thể đong đếm được.
Đến chùa Cổ Lễ vào những ngày mùa hạ nắng chiếu, thế nhưng chỉ cần bước chân vào chùa, chắc hẳn ai cũng sẽ bị “cuốn” vào bầu không gian trầm cổ và an lành. Hồ nước trong xanh in bóng nền trời, những bóng cây to dịu mát và cả mùi thơm thoang thoảng của hoa cau... tất cả hoà cùng tiếng chuông thi thoảng ngân vang, mang theo những lời nguyện ước thành tâm của các phật tử.
Chùa Cổ Lễ có hiệu là “Thần Quang Tự”, là công trình văn hoá kiến trúc Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ XII, thời vua Lý Thần Tôn để thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.
Chùa Cổ Lễ trước đây là ngôi chùa kiến trúc bằng gỗ. Trải qua sự phong hoá của mưa nắng và thời gian, ngôi chùa cổ xưa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì chùa và đã cho trùng tu tái thiết lại ngôi chùa theo kiến trúc mới “Nhất Thốc Lâu Đài”.
Tổng cảnh quan của chùa nếu nhìn từ trên xuống, sẽ tạo thành chữ Thiện (lành) trong chữ Nho. Những dãy nhà, hồ nước, cây cầu… được kết hợp với nhau tạo thành không gian hài hoà, liền mạch. Từ cổng chùa đi vào là cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m. Tiếp đến là toà Phật Giáo Hội Quán Quan Âm Đài với hai bên là Phủ - Đền. Nối liền sau đó là Cầu Núi và hai dãy hành lang dài theo chùa. Phía cuối là toà Chính Cung cao 29m thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ bạch đàn.
Chùa được thiết kế xây dựng bởi Đức Sư Tổ Phạm Quang Tuyên mà không cần một bản vẽ thiết kế nào. Đức Sư cũng không sử dụng những vật liệu hiện đại như xi măng, sắt thép... mà chỉ sử dụng những nguyên liệu nội địa như: vôi, gạch, cát, mật, muối….
Đặc biệt, kiến trúc của chùa là sự kết hợp độc đáo giữa văn hoá Đông - Tây. Đức Sư Tổ Phạm Quang Tuyên đã dung hoà những hoa văn, hoạ tiết, phù điêu… của Việt Nam trên nền mái vòm theo kiến trúc Gothic kiểu lâu đài của phương Tây, để tạo nên tổng thể đặc biệt, độc nhất.
Một trong những báu vật giá trị của chùa Cổ Lễ chính là quả chuông cổ lớn nhất Việt Nam, có tên gọi Đại Hồng Chung. Vào năm 1934, Hoà Thượng Phạm Thế Long kế vị trị trì chùa, đến năm 1936 Người cho đúc quả chuông đồng cao 4m20, đường kính 2m03 và nặng 9 tấn đặt giữa hồ nước trước toà Chính Cung. Quá trình đúc chuông thời bấy giờ hoàn toàn bằng thủ công, nên đòi hỏi rất nhiều công sức và sự tỉ mỉ, cẩn thận khi thực hiện.
Ngoài những giá trị về kiến trúc, Chùa Cổ Lễ cũng là nơi làm lễ cởi áo cà sa cho 35 vị Tăng Ny khoác chiến bào xông pha ra trận cứu nước từ năm 1947 đến năm 1981. Chùa được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia năm 1988.
Chính hội chùa Cổ Lễ được diễn ra vào dịp kỷ niệm ngày đại sinh Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không vào trung tuần tháng 9 âm lịch hàng năm.
Ảnh: Trần Việt Đức
Chưa có bảng giá đất mới, Hà Nội tính thuế đất như thế nào?
Con 'chúa đảo' Tuần Châu đề nghị gì với tài sản liên quan tới bà Trương Mỹ Lan?