Đền nằm trên một quả đồi thấp, bao quanh là hàng trăm cây lim và các cây cổ thụ, bốn mùa xanh tươi.
Đền Và (còn gọi là Đông Cung), tọa lạc tại phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây (Hà Nội), là một trong tứ cung thờ Đức Thánh Tản và hai vị em của ngài.
Đền Và được xây dựng trên một khu rừng gỗ lim rộng 5,7ha, tọa lạc trên một khu đất hình con rùa. Từ thế kỷ thứ 16 – 17 chỉ là ngôi đền được dựng bằng tranh tre, nứa lá. Đến thế kỷ thứ 18 thì được xây dựng như bây giờ. Từ thế kỷ thứ 18 thì bắt đầu được hoàn thiện.
Đền Và xây theo hướng bắc - nam, cửa đền có tam quan rộng, mái lợp ngói cổ, trên đỉnh đắp nổi hình lưỡng long triều nguyệt. Nghi môn - cổng chính của đền, hướng về núi Tản Viên (ở huyện Ba Vì) gồm ba gian dựng trên nền cao. Nghi môn có ba hàng cột gỗ đặt trên tảng kê bằng đá ong.
Liền sát nghi môn, đăng đối hai bên theo chiều dọc là gác chuông và gác trống có kiến trúc tương tự nhau với kiểu chồng diêm 8 mái phỏng theo gác trống, gác chuông chùa Thầy và có dáng dấp của Khuê Văn Các trong Quốc Tử Giám.Khuôn viên của đền rộng khoảng 2.000m2, được bao quanh bằng tường đá ong cao hơn 2m.
Bên trong đền thờ Tam vị Tản Viên Sơn và Mậu Mẹ, sau đó đến Ban công đồng, Ban tứ trụ triều đình và các quan. Ngoài cùng là các vị quan văn, quan võ cùng các quan khác. Nó mang ý nghĩa thể hiện như một đất nước thời xưa. Chỉ duy nhất ở đền Và là thể hiện điều này qua kiến trúc “nội công, ngoại quốc””.
Các hạng mục trong đền được xây dựng tu bổ qua các thời kỳ khác nhau, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính. Đền được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1964.
Mỗi năm, lễ hội đền Và được tổ chức hai lần, gồm lễ tháng Giêng, từ ngày 14 đến 17 tháng Giêng và lễ hội Đả ngư vào ngày 15/9 (Âm lịch). Trong đó, lễ hội tháng Giêng được tổ chức long trọng.
Theo thông lệ, cứ ba năm một lần, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì chính quyền và nhân dân lại tổ chức lễ chính. Tâm điểm của lễ hội đền Và là lễ rước long ngai, bài vị của Tam vị từ đền Và qua các phố của thị xã Sơn Tây, đưa qua sông Hồng, sang đền Ngự Dội (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) để tế lễ.
Quá trình đoàn rước kiệu từ sân đền qua các khu phố của thị xã Sơn Tây, các nhà và các đình nằm trên tuyến đường kiệu đi qua, đều sắp sửa mâm lễ để nghênh kiệu; trẻ nhỏ, người lớn tranh thủ chui qua kiệu để lấy phước, cầu may. Tại các ngã ba, ngã tư đường phố, đoàn rước tiến hành nghi lễ quay kiệu.
Với những giá trị văn hóa lịch sử quý báu, lễ hội ở đền Và được xếp hạng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2016.