Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới xây dựng từ 300.000 viên đá núi lửa, đứng vững suốt 1.200 năm mà không cần xi măng
Công trình kiến trúc đồ sộ này đã trải qua nhiều lần trùng tu, bảo tồn và trở thành Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1991.
Trên cao nguyên Magelang, miền trung Java, Indonesia, sừng sững một di sản văn hóa Phật giáo to lớn - ngôi đền Borobudur, viên ngọc quý ẩn mình giữa mây trời, được mệnh danh là ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Kiến trúc đồ sộ cùng những giá trị lịch sử, tâm linh sâu sắc đã đưa Borobudur trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho du khách thập phương.
Ngôi đền Borobudur được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 dưới triều đại Sailendra, thời kỳ vàng son của Phật giáo tại Java. Tổ hợp đền Borobudur là sự kết hợp giữa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Indonesia bản địa và các khái niệm về nhập Niết bàn của Phật giáo. Ngôi đền hoàn thành vào khoảng năm 825 sau Công nguyên, tính đến nay đã có 1.199 năm tuổi, đánh dấu sự huy hoàng của kiến trúc Phật giáo và niềm tin tâm linh của người dân.
Borobudur trong tiếng Indonesia có nghĩa là “Tháp Phật trên đồi cao”. Đền Borobudur đứng sừng sững trên một ngọn đồi cao 265m, mang hình dáng kim tự tháp bậc thang khổng lồ bằng đá andesit, cao 42m, tương đương tòa nhà 13 tầng. Toàn bộ kiến trúc được bao phủ bởi hơn 2.600 bức phù điêu chạm khắc tinh xảo, kể về cuộc đời Đức Phật, các giáo lý Phật giáo và những câu chuyện đạo đức.
Công trình này được xây dựng hoàn toàn bằng đá núi lửa màu xám, khai thác ngay trên đảo Java. Đặc biệt, toàn bộ đền tháp không có mái che, mái vòm hay phòng ốc, mà được tạo thành từ 300.000 viên đá (tương đương 55.000m3) xếp chồng lên nhau trên một mặt bằng hình vuông rộng 2.500m3, liên kết chặt chẽ mà không cần xi măng hay bất kỳ chất liệu kết dính nào.
Bố cục đền Borobudur được chia thành 3 tầng chính, tượng trưng cho ba giai đoạn giác ngộ: Kamadhatu (giới dục vọng), Rupadhatu (giới sắc tướng) và Arupadhatu (giới vô sắc). Mỗi tầng lại được chia thành các cấp nhỏ, dẫn dắt du khách từng bước tiến vào thế giới tâm linh thanh tịnh.
Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của vương triều Sailendra và sự lan rộng của đạo Hồi, Borobudur dần bị lãng quên, chìm trong quên lãng suốt nhiều thế kỷ dưới lớp tro bụi núi lửa và tán lá rừng già. Mãi đến năm 1814, đền Borobudur mới được Sir Thomas Stamford Raffles, Thống đốc thuộc địa Anh ở Java, phát hiện lại. Kể từ đó, công trình kiến trúc đồ sộ này đã trải qua nhiều lần trùng tu, bảo tồn và trở thành Di sản Thế giới của UNESCO vào năm 1991. Năm 2012, Tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới đã xác nhận Borobudur là ngôi đền Phật giáo lớn nhất trên thế giới.
Để bảo tồn vẻ đẹp và duy trì sự tôn nghiêm của địa điểm văn hóa tâm linh này, chính quyền địa phương đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về an ninh và trang phục, đồng thời cung cấp hướng dẫn viên bản địa cho từng nhóm du khách. Ngoài ra, số lượng khách tham quan trong mỗi khung giờ cũng được giới hạn, với mỗi nhóm gồm 30 người, và chỉ có 5 nhóm được phép vào tham quan trong khoảng thời gian cố định là 1 tiếng 30 phút.
Tổng hợp
>> Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Khmer 137 năm tuổi ở Bạc Liêu