Người phụ nữ duy nhất Việt Nam được lấy tên để đặt cho cả một thành phố, không phải vua chúa hay bậc khai quốc công thần, từng xung 300 mẫu ruộng vào công điền
Năm 2012, tên bà được đặt cho thành phố trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh nhỏ nhất vùng Đông Nam Bộ.
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm ở miền Đông Nam Bộ, tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, với TP. Hồ Chí Minh ở phía Tây, với tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp Biển Đông. Cái tên Bà Rịa - Vũng Tàu được hình thành từ lâu nhưng ít người biết rằng tên của địa phương này được đặt theo tên của một người phụ nữ. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Rịa. Bà không phải vua chúa, cũng không phải bậc khai quốc công thần. Bà chỉ là một người phụ nữ bình dị, nhưng có tinh thần mạnh mẽ và cương nghị.
Theo sử sách, bà Nguyễn Thị Rịa có công lớn trong việc khai phá vùng đất Long Điền - Xuyên Mộc, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Trong cuốn Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi lại rằng bà Rịa quê ở Phú Yên, sinh năm 1665 và mất năm 1759. Khi 15 tuổi, bà đã cùng đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) di cư vào Nam lập nghiệp dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687).
Vùng đất mà bà đặt chân đến là nơi hoang vu, địa hình phức tạp, nổi tiếng với nước độc, chướng khí và đầy rẫy thú dữ. Không nản lòng, bà Rịa cùng dân chúng hăng hái khai hoang, lập làng ở vùng Đồng Xoài, nay thuộc xã Hòa Long, thành phố Bà Rịa. Từ đó, bà tiếp tục mở rộng khai hoang sang các khu vực lân cận như Gò Xoài - Phước Liễu (nay thuộc xã Tam An, huyện Long Điền), rồi tiến về Láng Dài (nay thuộc huyện Đất Đỏ) và vùng biển Xuyên Mộc.
Không chỉ dừng lại ở việc khai phá đất đai, bà còn huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị tàn phá bởi bão lũ. Chính những đóng góp của bà đã giúp đỡ đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ mở rộng lãnh thổ về phương Nam.
Cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ bà Rịa mang họ gì. Tuy nhiên, nhờ có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp, cùng với tiếng tăm về đức độ và uy tín trong vùng, bà được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và ban họ chúa. Vì vậy, bà được gọi là Nguyễn Thị Rịa.
Bà Rịa sống qua năm đời chúa Nguyễn và qua đời vào năm 1759, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, tại Hắc Lăng, Phước Liễu (nay là xã Tam Phước, huyện Long Điền), hưởng thọ 94 tuổi.
Do không có chồng con, 300 mẫu ruộng do bà khai khẩn đã được sung công điền và chia cho người nghèo. Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập mộ và thờ cúng bà với câu đối: “Bà Rịa anh linh di vạn cổ/ Nương nương hiển hách chứng thiên kim”. Trên bia mộ của bà có khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”.
Mộ và miếu thờ bà Rịa tọa lạc tại xã Tam Phước, huyện Long Điền. Năm 1902, Trường Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương đã trùng tu lại mộ bà. Khu mộ này sau đó được tu sửa thêm hai lần vào các năm 1936 và 1972. Hiện nay, đây là một trong những điểm tham quan hút khách tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 1991, tên bà Rịa được ghép vào tên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi tỉnh này được thành lập. Đến năm 2012, tên bà tiếp tục được đặt cho thành phố trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh, đó là thành phố Bà Rịa.
Lễ giỗ bà Nguyễn Thị Rịa được tổ chức hàng năm vào ngày 16 tháng 6 Âm lịch, lúc 12h trưa. Đây là dịp để nhân dân địa phương tưởng nhớ công ơn của người phụ nữ có công khai hoang, mở đất và lập làng từ thuở ban sơ.
Cuộc đời thăng trầm của người phụ nữ cuối cùng gặp 'huyền thoại' võ thuật Lý Tiểu Long
Người phụ nữ gốc Việt đầu tiên sẽ bay vào vũ trụ giữa năm 2025