Nguy cơ tử vong sớm ở những người thiếu kết nối xã hội
Kết quả một nghiên cứu mới được công bố cho thấy những người sống cô độc, không giao tiếp với gia đình hay bạn bè có thể tăng tới 39% nguy cơ tử vong sớm.
Ảnh minh hoạ. |
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí BMC Medicine, đã có nhiều nghiên cứu trước đây liên kết sự cô đơn hay cách ly xã hội với các vấn đề sức khỏe và nguy cơ tử vong sớm. Tuy nhiên, lại rất hiếm nghiên cứu xem xét cách mà sự liên kết này phụ thuộc vào sự tác động của các dạng tương tác xã hội.
Hamish Foster, nhà nghiên cứu lâm sàng tại Khoa Sức khỏe Thể chất và Tinh thần - Đại học Glasgow (Scotland), cho biết: “Chúng tôi đã dựa trên hai kiểu cô đơn và ba kiểu cô lập xã hội khác nhau và thấy rằng mỗi loại đều tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao.”
Các nhà nghiên cứu xác định cảm giác cô đơn dựa trên hai yếu tố: tần suất những người tham gia cảm thấy có thể tâm sự với người thân thiết và tần suất họ cảm thấy cô đơn.
Sự cô lập xã hội được đánh giá theo tần suất nhóm đối tượng nghiên cứu được bạn bè hoặc gia đình đến thăm, tần suất tham gia các hoạt động nhóm hàng tuần và liệu họ có sống một mình hay không.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy việc thiếu đi 1 trong 5 dạng kết nối xã hội - ở bất kỳ mức độ - đều có nguy cơ tử vong sớm.
Nghiên cứu này đã theo dõi kết quả sức khỏe của gần 500.000 người trung niên ở Vương quốc Anh trong độ tuổi từ 40-69 trong ít nhất 10 năm.
Khi những người tham gia, có độ tuổi trung bình khoảng 56, được tuyển dụng từ năm 2006-2010, họ đã trả lời một bảng câu hỏi về đời sống xã hội của mình.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi nhóm người trên trong khoảng 12 năm. Kết quả cho thấy so với những người có gia đình và bạn bè đến thăm hàng ngày, nhóm người sống cô độc, không tiếp xúc với nhiều người có tỷ lệ tử vong sớm là 39%.
Việc tham gia hoạt động cùng những người ít quen biết không giúp giảm thiểu tỷ lệ rủi ro này, càng cho thấy giá trị của những mối quan hệ với gia đình, bạn bè thân thiết xung quanh.
Nguy cơ rủi ro sẽ giảm thiểu nếu dành thời gian đều đặn với những người thân yêu. Các nhà nghiên cứu cho biết những mối quan hệ gần gũi này đã cung cấp “sự hỗ trợ thiết thực hoặc thể xác định nhanh cá nhân đó có suy giảm sức khỏe thể chất-tinh thần hay không.”
Một số người trong ngành đã đề cao sự đóng góp của nhóm vào số lượng nghiên cứu ngày càng tăng về đề tài “mối quan hệ giữa kết nối xã hội và sức khỏe.”
Tiến sỹ Anthony Ong, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Cornell (New York), viết trong một email: “Nghiên cứu đoàn hệ lớn này đã ‘hé lộ’ những sự thật quan trọng, mang nhiều sắc thái về mối quan hệ phức tạp giữa các khía cạnh khác nhau của kết nối xã hội và nguy cơ tử vong.”
Những phát hiện này “cung cấp cơ sở thực nghiệm cho nhiều nghiên cứu trong tương lai về việc cải thiện mối quan hệ xung quanh liệu có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho những nhóm bị cô lập xã hội hay không.”
Theo nhóm tác giả, sẽ cần tìm ra nguyên nhân đằng sau kết quả nghiên cứu trên và xác định xem các yếu tố sức khỏe tâm lý, thể chất khác có ảnh hưởng tới đối tượng tham gia hay không. Họ đã có một vài ý tưởng ban đầu cho các cuộc nghiên cứu tới.
Trước đây, sự mất kết nối xã hội có liên quan đến chức năng miễn dịch kém, các vấn đề về tim mạch như huyết áp cao và suy giảm phát triển thần kinh. Đây cũng là một dạng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể.
Những người mất kết nối xã hội sẽ có chỉ số khối cơ thể cao hơn; dễ mắc bệnh và có những thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu hay không tập thể dục... Theo nghiên cứu, những khía cạnh này sẽ dẫn tới sự cô lập xã hội và ngược lại.
“Nghiên cứu được thực hiện dựa trên mục đích giúp đỡ những người bị cô lập trong xã hội,” đồng tác giả nghiên cứu Jason Gill, chuyên gia về sức khỏe tim mạch chuyển hóa tại Đại học Glasgow, tiết lộ trong buổi họp báo. “Để ‘thoát khỏi’ tình trạng này, bạn cần phải thử nhiều cách, áp dụng nhiều phương pháp.”
Tiến sỹ Olivia Remes, nhà nghiên cứu sức khỏe tâm thần tại Đại học Cambridge (Anh), cho biết những người thường được người thân đến thăm viếng cũng được hưởng lợi nhiều hơn khi tham gia các hoạt động nhóm khác, vì vậy cả hai đều quan trọng trong việc giúp mọi người cảm thấy gắn kết hơn.
Foster cho biết dù chưa đề cập tới trong nghiên cứu của mình nhưng đã có nhiều nhà khoa học khác chỉ ra rằng việc nuôi thú cưng khi sống một mình rất có lợi.