Nguyên nhân khiến trái cây tỷ USD Việt Nam mất vị trí dẫn đầu
Từ giá trị xuất khẩu đạt gần 1,3 tỷ USD/năm, xuất khẩu thanh long nay chỉ còn khoảng 660 triệu USD/năm. Trong thời gian dài, trái cây này bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tại Hội nghị “Phát triển thanh long bền vững ở Việt Nam”, do Bộ NN-PTNT và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 29/9, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế khiến ngành hàng tỷ USD thanh long thụt lùi.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây ăn quả và cây công nghiệp, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho hay, trong thời gian dài, Việt Nam luôn đứng số 1 về cả diện tích trồng và sản lượng thanh long xuất khẩu. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, Việt Nam chuyển xuống vị trí thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.
Hiện, Việt Nam có 55.000ha trồng thanh long, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Trong khi, Trung Quốc có 67.000ha thanh long, sản lượng đạt 1,6 triệu tấn.
Cũng theo ông Mạnh, thời kỳ đỉnh cao của quả thanh long đã qua. Loại nông sản tỷ USD này đang có xu hướng đi xuống cả về diện tích và sản lượng.
Cụ thể, nếu như năm 2020, Việt Nam có trên 65.000ha thanh long thì đến năm 2022 chỉ còn 55.000ha (giảm gần 10.000ha). Sản lượng thanh long năm 2022 giảm tới 110.000 tấn so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu thanh long cũng giảm mạnh, từ mức đỉnh đạt 1,27 tỷ USD năm 2018 còn khoảng 663 triệu USD vào năm 2022. 8 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu chỉ ở mức 350 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, năm 2011, Trung Quốc chỉ có 3.400ha thanh long thì tới năm 2021 đã có 67.000ha, vượt Việt Nam.
Đồng tình với số liệu từ Bộ NN-PTNT, bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chỉ ra các lý do khiến thanh long Việt "đi lùi".
Thứ nhất, 80-85% sản lượng thanh long hàng năm phục vụ xuất khẩu, chỉ có 15-20% cho tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thanh long chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu thanh long.
Xuất khẩu thanh long giảm mạnh hoàn toàn do thị trường Trung Quốc giảm nhu cầu.
Thứ hai, đã có thay đổi lớn trong cơ cấu mặt hàng trái cây xuất khẩu Việt Nam.
Năm 2021, thanh long chiếm 43% trong cơ cấu các mặt hàng, sầu riêng là 7,5%. Năm 2023, tỷ trọng thanh long đã giảm xuống còn 17,7%, trong khi sầu riêng vươn lên 46,9%.
Đây cũng là một lý do khác cho thấy sự ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, người dân chuyển từ tiêu thụ thanh long sang sầu riêng. Rõ ràng, trong một thời gian dài, xuất khẩu thanh long phụ thuộc lớn vào thị trường nước láng giềng.
Hiện, thanh long Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Trung Quốc đang đẩy mạnh sản lượng, tập trung đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa, tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trước mắt, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giới thiệu giá trị về mặt sức khỏe của thanh long, thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Thanh long phải xây dựng được thương hiệu như xoài Lai Vung (Đồng Tháp) tại thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, đề xuất ngành nông nghiệp tập trung tổ chức lại sản xuất thanh long, đi vào chiều sâu trên diện tích còn lại, không mở rộng thêm diện tích mới. Đồng thời, các địa phương không để thanh long bị cây trồng khác thay thế.
Theo ông, cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, cải thiện sức cạnh tranh của thanh long Việt Nam bằng nâng cao chất lượng, sản phẩm an toàn, giảm giá thành và tận dụng các khoảng thời gian trong năm mà Trung Quốc không sản xuất được để xuất khẩu.
Ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm thị trường mới cho thanh long hoặc đa dạng hoá sản phẩm chế biến từ thanh long, đáp ứng cho Mỹ, châu Âu... Đây là những nơi có nhu cầu rất lớn về sản phẩm chế biến.
Giảm ăn hàng Thái, chỉ 1 tháng Trung Quốc vung 16.000 tỷ mua ‘vua trái cây Việt’
Việt Nam chi gần 20.000 tỷ nhập về ăn, tiết lộ sốc giá trái cây Trung Quốc