Chia sẻ tại Hội nghị Góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản, PGS.TS. Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề: “Tại sao không thể cấp "căn cước" cho từng thửa đất, như chúng ta đã làm căn cước cho các công dân từ 18 tuổi?”.
Theo nhận định của ông Trần Kim Chung, hiện có 4 nguồn thông tin đăng ký đất đai nhà ở và thị trường bất động sản là: Các thông tin theo quý, năm của Bộ Xây dựng; Thông tin về giá bất động sản và chỉ số giá thị trường bất động sản được triển khai theo Quyết định số 580/QĐ-TCTK ngày 26/7/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Thông tin đất đai, các báo cáo chính thống hiện vẫn chưa thành các thông tin phổ cập; Các báo cáo thị trường của một số công ty tư vấn bất động sản.
Những nguồn thông tin này không thống nhất, khó tập trung, người dân khi muốn tìm kiếm thông tin rất khó khăn.
Mặt khác, thể chế trong lĩnh vực này cũng chậm được hoàn thiện, đặc biệt là một số quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tính minh bạch, an toàn của các giao dịch.
Mô hình cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cũng chưa phù hợp, còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.
Trong khi đó, một trong 3 vấn đề trọng tâm cần tháo gỡ để phát triển thị trường bất động sản là minh bạch thông tin.
Dẫn dắt câu chuyện thời gian vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân từ đủ 18 tuổi, PGS. TS. Trần Kim Chung đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không cấp "căn cước" cho từng thửa đất?”
Ông lý giải, nếu làm được như vậy, mỗi thửa đất sẽ có một "ô dữ liệu" cập nhật mọi thông tin liên quan, từ đó tạo thuận tiện cho người cần tìm kiếm thông tin. Khi thông tin minh bạch, công khai, những nhiễu loạn thị trường sẽ được hạn chế.
Cũng trong phần chia sẻ của mình, PSG. TS. Trần Kim Chung nhận định, sự tăng giảm, nóng sốt của thị trường diễn ra thường xuyên nhưng chúng ta vẫn chưa có chỉ số tính toán về nhà đất, thị trường bất động sản.
Trên thực tế, Việt Nam chưa có các chỉ số giá đất đai, nhà ở, bất động sản cũng như chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản được công bố chính thức bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng hay Tổng cục Thống kê.
Theo PGS. TS. Trần Kim Chung, cần có các luật nội dung tính toán các chỉ số giá đất, giá nhà, giá bất động sản; chỉ số thị trường đất đai, thị trường nhà ở và thị trường bất động sản. Đồng thời, giao cơ quan quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản công bố chỉ số giá, chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm; đưa chỉ số đất đai, nhà ở và bất động sản vào tiêu chí thống kê của hệ thống thống kê quốc gia.
Một trong những giải pháp ông Trần Kim Chung đánh giá là rất quan trọng chính là sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nếu giao dịch các sản phẩm được nhà nước giao đất, phải qua sàn giao dịch bất động sản (theo Luật Kinh doanh bất động sản 2007); tăng cường vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp đất đai, nhà ở và bất động sản trong tuyên truyền, vận động các bên hữu quan trong việc thúc đẩy việc tính toán các chỉ số thị trường đất đai, nhà ở, bất động sản.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Trần Kim Chung cũng kiến nghị Quốc hội ban hành các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản mới, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.