Nhà băng đang lấy rủi ro tương lai làm... lợi nhuận

27-08-2021 22:36|Như Nguyễn (Tổng hợp)

Theo đánh giá của các chuyên gia, nợ xấu do đại dịch Covid-19 hiện mới chỉ là nguy cơ chứ chưa phải là nợ xấu hiện hữu. Bởi trong thời gian qua, Chính phủ và ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó công cụ mạnh nhất Thông tư 03 sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo điều kiện cho ngân hàng giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu nợ...

Trong khi đó, Thông tư 03 chỉ cho phép cơ cấu nợ với dư nợ phát sinh trước ngày 30/6/2020 và chỉ được kéo dài thời hạn cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2021. Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng nữa Covid-19 chưa kết thúc và ảnh hưởng nặng nề của dịch vẫn còn ở phía trước, do đó các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong tương lai, chưa thể trả được nợ, nên nguy cơ chuyển nợ thành nợ xấu rất cao.

Gay go nhất là theo Thông tư 03, những khách hàng được giải ngân sau ngày 30/6/2020 không được cơ cấu nợ. Trong khi đó, từ khi bùng phát đợt Covid-19 thứ tư, nhất là từ ngày 17/7/2021, 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến hàng loạt khách hàng không có doanh thu, thu nhập, khả năng trả nợ suy giảm, song ngân hàng lại không thể cơ cấu nợ, dù rất muốn. Điều nay dẫn tới việc ngân hàng huy động tiền về cho doanh nghiệp vay nhưng tiền lại không quay trở về ngân hàng để tiếp tục cho vay, mà hao hụt dần.

Chẳng hạn, ngân hàng huy động 100 đồng, 80 đồng cho vay và 20 đồng dự trữ, nhưng sau khi cho vay thay vì 80 đồng quay về ngân hàng thì chỉ còn 60 đồng. 20 đồng hao hụt được xem là nợ xấu. Vì vậy, ngân hàng buộc phải huy động mới để cho vay, bù đắp cho nợ xấu.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các ngân hàng đang báo lãi lớn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng, nhưng con số này chưa phải là lãi thực chất. Bởi, nếu "trần trụi" nợ xấu, trích lập dự phòng một cách sòng phẳng, thì nhiều ngân hàng sẽ chuyển lãi thành lỗ. Hay nói cách khác, các ngân hàng đang lấy rủi ro trong tương lai để làm lợi nhuận cho hiện tại.

Lãnh đạo VietinBank cho biết, dư nợ khách hàng được cơ cấu lại tại ngân hàng này là rất lớn và chưa dừng lại. Theo Thông tư 03, năm 2021, VietinBank phải trích lập dự phòng rủi ro 30% cho số nợ cơ cấu này, khiến kết quả kinh doanh năm nay sẽ bị ảnh hưởng.

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nha-bang-dang-lay-rui-ro-tuong-lai-lam-loi-nhuan-130200.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhà băng đang lấy rủi ro tương lai làm... lợi nhuận
POWERED BY ONECMS & INTECH