Nếu đúng theo dự kiến ban đầu công trình này sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động tại Đông Nam Á.
Nhà máy điện hạt nhân Bataan, cách thủ đô của Philippines khoảng 100km về phía tây qua vịnh Manila, đã được khởi công vào năm 1976 và hoàn thành vào năm 1984 tại mũi bán đảo Bataan. Nếu đúng theo dự kiến ban đầu, nó sẽ trở thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động tại Đông Nam Á.
Tuy nhiên, vào năm 1979, một vụ tai nạn xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ đã gây ra lo ngại về an toàn của năng lượng nguyên tử trên toàn cầu. Vì vậy, Tổng thống Philippines thời điểm đó, Ferdinand Marcos, đã ra lệnh thành lập một ủy ban chuyên gia để đánh giá tình hình. Ủy ban này kết luận rằng nhà máy không an toàn do nằm gần một núi lửa hoạt động và vị trí của nó trong các đới đứt gãy có thể gây ra động đất.
Mặc dù nhận được cảnh báo từ ủy ban chuyên gia, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Philippines, cơ quan sở hữu nhà máy, vẫn kiên định trong việc biến ước mơ về năng lượng hạt nhân thành hiện thực. Uranium đã được vận chuyển từ Mỹ bằng một chiếc Boeing 747 và được nhập vào nhà máy. Đến năm 1986, các quản lý nhà máy đã sẵn sàng thực hiện bước cuối cùng: đưa các thanh nhiên liệu uranium vào các lò phản ứng hạt nhân.
Tuy nhiên, hai sự kiện quan trọng đã diễn ra trong năm 1986: thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine và sự lật đổ của nhà độc tài Marcos. Sau khi Marcos bị lật đổ, các nhà điều tra quốc tế đã đến kiểm tra nhà máy và kết luận rằng nó không đảm bảo an toàn. Do đó, Chính phủ mới của Philippines tại thời điểm đó đã quyết định đóng cửa nhà máy.
Hơn hai thập kỷ sau những người ủng hộ năng lượng hạt nhân liên tục vận động để chính phủ cho phép nhà máy Bataan hoạt động. Vào đầu năm 2011, khi những nỗ lực của họ sắp “đơm hoa kết trái” thì cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima I ở Nhật Bản nổ ra.
Tại Philippines, sự cố tại Nhật Bản đã dẫn đến lệnh tạm hoãn không chính thức về mọi kế hoạch sản xuất năng lượng hạt nhân, Tập đoàn Điện lực Quốc gia Philippines quyết định biến nhà máy thành một điểm du lịch để giúp trang trải chi phí. Nhà máy, nơi chưa bao giờ sản xuất điện, giờ đây đang tạo ra doanh thu nhờ những dòng du khách từ Philippines và các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản. Dennis Gana, người phát ngôn của nhà máy cho biết những chuyến tham quan phải được đăng ký trước vài tháng. Uranium trong nhà máy đã được bán hết vào năm 1997 nên du khách có thể yên tâm về mức độ an toàn.
Theo Nikkei Asia, Philippines từ lâu đã chật vật với vấn nạn thiếu điện. Tuy nhu cầu được dự đoán sẽ gia tăng trong lâu dài, các công ty tư nhân lại tránh né rủi ro đầu tư lớn vào lĩnh vực này, dẫn đến thiếu hụt công suất phát điện. Do nguồn cung cấp điện không ổn định, Philippines là một trong những quốc gia có chi phí điện cao nhất trong khu vực.