Nhà máy điện khí LNG 1,4 tỷ USD đầu tiên tại Việt Nam: Công nghệ mới nhất, tổ máy tuabin khí có công suất lớn nhất thế giới
Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, là một trong ít tổ máy tuabin khí có công suất cũng như hiệu suất khí lớn nhất trên thế giới.
Cung ứng đủ điện là nhiệm vụ cấp bách cho phát triển kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký Chỉ thị số 1/CT-TTg ngày 3/1/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Theo như Chỉ thị, thời gian tới, nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mức tăng trưởng kinh tế trên 8% và giai đoạn 2026-2030 với mức tăng trưởng 2 con số, Thủ tướng Chính phủ cho rằng mục tiêu cấp bách đặt ra đó là điện năng buộc phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm tăng từ 12% đến trên 16% (tương đương mỗi năm cần bổ sung từ 8.000-10.000MW).
Để có những giải pháp sớm nhằm "đi tắt đón đầu", đảm bảo tuyệt đối không thể thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ thị các cơ quan chức năng, các ngành, địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có liên quan cần tập trung tối đa thực hiện nhiệm vụ cung ứng đủ điện nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2030, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với yêu cầu là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.
Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch, Tổng Giám đốc Petrovietnam (PVN) - Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia tập trung tối đa nguồn lực để gấp rút tổ chức thi công Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4, nhanh chóng hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại trong tháng 6/2025.
Nhà máy điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt?
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là một trong những dự án nhà máy điện khí LNG trọng điểm quốc gia được xây dựng tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4 do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, HoSE: POW), một đơn vị thành viên của Petrovietnam làm chủ đầu tư, là dự án đầu tiên tại Việt Nam sử dụng nhiên liệu khí LNG.
Với tổng công suất thiết kế 1.624MW và tổng mức đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD, dự án này được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào hệ thống năng lượng quốc gia.
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là nhà máy điện sử dụng nhiên liệu khí LNG đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án sử dụng cấu hình 1:1:1 (tuabin - lò hơi - máy phát) đầu tiên trong cả nước. Đây là một trong số ít tổ máy tuabin khí có công suất (trên 500MW) cũng như hiệu suất khí (trên 60%) lớn nhất trên thế giới.
Chia sẻ trên báo Kiểm Toán, ông Lại Hải Triều - Phó Giám đốc Ban Dự án Điện Nhơn Trạch 3&4 - LILAMA cho biết đây là dự án nhà máy điện sử dụng công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Một trong những hạng mục quan trọng nhất của dự án là việc lắp tuabin máy phát - bộ phận được coi như "trái tim" của mỗi nhà máy nhiệt điện.
Đối với hạng mục lắp đặt này, điểm đặc biệt của Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 là ở hạng mục tuabin khí, phần trung áp và cao áp của tuabin được tách thành 2 khối riêng, nằm đồng trục trên một đường thẳng dài hơn 70m.
Quá trình căn chỉnh trục này chỉ cho phép sai số 0,04mm từ điểm đầu đến điểm cuối. Do đó, việc căn chỉnh cần đến thợ lành nghề và độ chính xác gần như tuyệt đối.
Theo chia sẻ từ phía PV Power, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 hiện đang hoàn thiện công tác lắp đặt và chuẩn bị thử nghiệm vận hành.
Dự kiến, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 sẽ vận hành thương mại trong tháng 6/2025 trong khi đó, Nhà máy điện Nhơn Trạch 4 sẽ vận hành thương mại vào tháng 9/2025.
Sau khi chính thức đi vào phát điện thương mại, siêu công trình này sẽ bổ sung hơn 9 tỷ kWh điện thương phẩm/năm cho hệ thống điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài việc khẩn trương triển khai thi công Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo Petrovietnam đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc Chuỗi khí - điện Lô B - Ô Môn, bảo đảm dòng khí đầu tiên được đưa vào vận hành vào cuối năm 2026.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc hoàn thành, nghiên cứu và khởi động thí điểm dự án điện gió ngoài khơi vào năm 2025 sẽ là "cánh cửa" mở ra hướng phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.
>> Vì sao tỉnh nhỏ nhất Việt Nam muốn 'nâng cấp' dự án sân bay hơn 30.000 tỷ thành cảng hàng không?