Nhà máy thép 7.000 tỷ đồng có giúp Tôn Đông Á đuổi kịp Hoa Sen trong cuộc đua thị phần tôn mạ?
Tôn Đông Á (GDA) hiện đứng vị trí thứ hai trong ngành tôn mạ nội địa, chiếm 15% thị phần và chỉ xếp sau Tập đoàn Hoa Sen (HSG).
CTCP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) là một trong những doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu tại Việt Nam, chuyên về các sản phẩm tôn mạ màu và tôn mạ kẽm với công suất tối đa đạt 850.000 tấn/năm. Ở thị trường trong nước, Tôn Đông Á đang nắm giữ vị trí thứ hai với 15% thị phần tôn mạ và chỉ đứng sau Tập đoàn Hoa Sen (HSG).
Trước sức ép từ làn sóng nhập khẩu ồ ạt, vào ngày 24/10 vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 2,56% đến 34,27% đối với sản phẩm tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chính sách này kỳ vọng sẽ giúp Tôn Đông Á tăng tỷ trọng tiêu thụ nội địa và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Dự kiến, sản lượng tiêu thụ nội địa của GDA sẽ tăng thêm khoảng 20% trong 2 năm tới do hạn chế về công suất nhà máy tuy nhiên sản lượng nội địa tăng mạnh 100% sau khi nhà máy thứ 4 đi vào vận hành.
Nguồn: VCBS Research |
Được biết, vào tháng 12 tới đây, Tôn Đông Á dự kiến triển khai đầu tư đầu tư nhà máy tôn mạ mới với công suất khoảng 1,2 triệu tấn mỗi năm, tổng mức đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng. Dự án chia làm 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 sản xuất 300.000 tấn/năm (dự kiến đi vào hoạt động 2026), giai đoạn 2 sản xuất 200.000 tấn/năm (dự kiến hoạt động năm 2027) và giai đoạn 3 sản xuất 650.000 tấn/năm (dự kiến hoạt động 2029).
Sản phẩm của dự án hướng tới thép tôn chất lượng cao sản xuất đồ gia dụng và nội thất được đầu tư gối đầu thành 3 giai đoạn cho tới năm 2029 để duy trì đà tăng trưởng của GDA. Theo nhận định của VCBS Research, khả năng tiêu thụ tôn của GDA sẽ khả quan hơn sau khi xây xong nhà máy, chỉ sau khoảng 2-3 năm đã có thể hoạt động gần hết công suất nhờ vào tệp khách hàng trung thành tại thị trường nội địa và xuất khẩu.
Với quyết định quan trọng từ Bộ Công Thương cùng việc triển khai xây dựng nhà máy thép thứ 4, Tôn Đông Á đang mở rộng cơ hội gia tăng thị phần tôn mạ ở cả trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, liệu những cơ hội này có đủ để Tôn Đông Á vượt qua Hoa Sen trong cuộc đua thị phần vẫn còn là một câu hỏi mở, khi điều này còn phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh cũng như các yếu tố vĩ mô khác.
>> Vượt kế hoạch lợi nhuận sau 3 quý, Tôn Đông Á (GDA) sắp trả cổ tức tỷ lệ 30%