Bất động sản

'Nhà thấp tầng ở Hà Nội có lỗi gì mà phải loại bỏ?'

Quang Phong 02/10/2023 - 06:59

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, nhà thấp tầng ở Thủ đô không có lỗi. Nguyên nhân dẫn đến những bất cập của nhà thấp tầng là do sự buông lỏng quản lý của lực lượng chức năng.

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng trong nội thành Hà Nội là không phù hợp với mục tiêu phát triển nhà ở hiện nay, cũng như không phù hợp với quy định của pháp luật.

Nhóm chuyên gia Đại học Luật Hà Nội vừa đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ, liền kề) trong khu lõi của Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, mở rộng được hệ thống hạ tầng. Đề xuất này có phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hà Nội hay không, thưa ông?

Trước tiên, tôi phải khẳng định ý tưởng này không hợp lý bởi chỉ tiêu nhà ở, lối sống và thu nhập của mỗi người dân rất khác nhau. Trong khi đó, định hướng tiêu chuẩn bình quân về nhà ở của chúng ta đề ra rất cao nhưng chưa đáp ứng được. Nguyên nhân là do Hà Nội có rất nhiều người tạm trú là sinh viên, lao động tự do nhưng lại thiếu quỹ đất xây nhà ở xã hội và nguồn vốn đầu tư.

Hiến pháp quy định Nhà nước khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở, trong đó có chủ đầu tư là tư nhân hoặc hộ gia đình. Do vậy, đề xuất loại bỏ nhà riêng lẻ là vi hiến và trái với quy định của Luật Nhà ở.

Theo tôi, đề xuất như vậy cũng không phù hợp với nguồn lực xã hội hiện nay, trong khi chúng ta đang rất thiếu nhà cho người dân, mà lại đề xuất loại bỏ nhà ở riêng lẻ trong nội thành!.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đề xuất loại bỏ nhà thấp tầng ở Hà Nội thiếu khả thi. Ảnh: Hoàng Hà

Đề xuất này của nhóm chuyên gia trong bối cảnh Hà Nội vừa xảy ra vụ cháy ở số nhà 37 (ngách 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội) - còn được gọi với cái tên là chung cư mini, làm 56 người thiệt mạng. Theo ông, làm cách nào để Hà Nội vẫn phát triển nhà ở riêng lẻ, chung cư mini mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân?

Điều quan trọng nhất là Hà Nội phải nâng cao chất lượng kỹ thuật công trình, đồng thời kiểm soát được quá trình đầu tư, xây dựng chung cư mini và nhà ở riêng lẻ. Thực tế, hiện nay chúng ta đã có đầy đủ quy trình cấp phép, giám sát quá trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, nhà nhiều căn hộ. Cụ thể với quy mô mỗi công trình phải đáp ứng đủ diện tích đất xây dựng, nhà phải có lối thoát hiểm, căn hộ tối thiểu 25m2 và phải có diện tích chung, riêng, có chỗ đỗ xe…

Như vậy, có thể nói tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng nhà thấp tầng đã có đầy đủ để đảm bảo an toàn khi công trình đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng buông lỏng quản lý, nên nhiều chủ nhà ở riêng lẻ không xây dựng đúng giấy phép nhưng lại thiếu thanh tra, xử lý công trình vi phạm. Riêng đối với quy định PCCC, mỗi công trình riêng lẻ cần phải bổ sung để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Tòa nhà số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ cao vượt trội so với các công trình trong khu vực. Ảnh: Phạm Hải

Như vậy, có thể thấy rằng, nhà ở riêng lẻ và chung cư mini không phải là nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong nội thành Hà Nội, mà là do quá trình quản lý đang có vấn đề?

Có thể thấy rất rõ, quá trình quản lý nhà ở riêng lẻ của lực lượng chức năng đang có vấn đề nên mới dẫn đến những tồn tại khó giải quyết như: Nhà xây sai mật độ, nhà vượt tầng. Quy định nhà nhiều căn hộ chỉ được xây khi xe chữa cháy có thể tiếp cận được. Với những thửa đất nằm sâu trong ngõ, ngách, xe cứu hỏa không tiếp cận được thì cơ quan chức năng phải nhất quyết không cho xây nhà nhiều căn hộ.

Việc tập trung quá đông dân cư trong nội thành dẫn đến nhiều hệ lụy cho Hà Nội như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học… Theo ông, Hà Nội cần làm thế nào để giải được bài toán này?

Vấn đề này đã được đề cập rất cụ thể trong Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 hay Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030.

Theo tôi, thời gian tới, TP Hà Nội cần phải nỗ lực xây dựng các khu đô thị vệ tinh, đồng thời di dời các trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường đại học ra bên ngoài. Chỉ có như vậy mới kéo giảm mật độ dân số trong nội thành, có quỹ đất xây dựng công trình công cộng, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xây dựng thêm nhiều nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân…

Ở các nước phát triển họ có hạn chế xây dựng nhà ở riêng lẻ trong lõi đô thị hay không? Họ quản lý loại nhà này như thế nào, thưa ông?

Một số nước phát triển họ không khuyến khích nhà ở thấp tầng, riêng lẻ trong nội thành. Nhưng để làm được điều đó họ phải đáp ứng đầy đủ nhà ở ngoại thành cho người dân. Đồng thời, giao thông công cộng cũng đáp ứng nhu cầu đi lại. Ví dụ ở Đức, họ xây rất nhiều nhà ở xã hội; còn ở Singapore có những căn hộ chỉ 10m2, chung cư cũng có nhiều nhà quy mô nhỏ nhưng phải đảm bảo yêu cầu PCCC rất nghiêm ngặt.

Do vậy, theo tôi, trong thời điểm hiện tại, chúng ta không nên học hỏi một cách máy móc mô hình quy hoạch đô thị của các nước phát triển để áp dụng cho TP Hà Nội.

Như vậy, theo ông, nhà ở thấp tầng, riêng lẻ chưa cần loại bỏ?

Nhà ở thấp tầng không có lỗi trong những tồn tại của TP Hà Nội hiện nay. Vấn đề là do người quản lý việc phát triển nhà ở thấp tầng trong nội thành như thế nào. Phải khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển nhà ở riêng lẻ là phù hợp với quy định của Nhà nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên nhân sâu xa vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong ở Thanh Xuân

Truy tố 7 người trong vụ cháy chung cư mini làm chết 56 người ở Hà Nội

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/nha-thap-tang-co-loi-gi-ma-phai-loai-bo-2196554.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Nhà thấp tầng ở Hà Nội có lỗi gì mà phải loại bỏ?'
    POWERED BY ONECMS & INTECH