Nhà tù 12.000m2 của Việt Nam hơn 1 thế kỷ vẫn là địa điểm đáng sợ nhất Đông Nam Á
Tuy đã trải qua hơn một thế kỷ, Nhà tù "Địa ngục trần gian" này vẫn đứng đầu trong danh sách Top 5 địa điểm đáng sợ nhất Đông Nam Á.
Nếu thời gian gần đây, giới trẻ biết đến Nhà tù Hỏa Lò qua những bài truyền thông hài hước được tạo ra bởi đội ngũ admin của Nhà tù Hỏa Lò trên Facebook, thì hàng chục năm trước đây trong tiềm thức của người dân Việt Nam, địa điểm này được coi là một "địa ngục trần gian" đúng nghĩa. Năm 2014, tức là sau hơn một thế kỷ kể từ khi Hoả Lò được xây dựng, kênh CNN vẫn xếp hạng nơi này ở vị trí đầu tiên trong danh sách Top 5 địa điểm đáng sợ nhất Đông Nam Á do những câu chuyện ám ảnh nơi đây đã trở thành một phần của lịch sử.
Từng rộng gấp 5 lần hiện nay, kiên cố bậc nhất Đông Dương
Nhà tù Hoả Lò hay còn được gọi là Maison Centrale trong tiếng Pháp có nghĩa là "Đề lao Trung ương" hoặc "Ngục thất Hà Nội". Hơn một thế kỷ trước, vào năm 1896, chính quyền thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Hoả Lò nhằm tăng cường biện pháp đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Khu vực này lúc đó còn nằm ngoại ô của thành phố, chính xác là tại làng nghề gốm thủ công thuộc làng Vĩnh Khánh, tổng Vĩnh Xương, Thọ Xương.
Nhằm phục vụ mục đích trấn áp các nhóm đối kháng, Nhà tù Hoả Lò được xây dựng với quy mô lớn, chiếm diện tích 12.000m2, là nhà tù rộng lớn và kiên cố nhất tại Đông Dương thời kỳ đó. Các nguyên vật liệu được chuyển từ Pháp đến được kiểm tra chặt chẽ, đặc biệt là các loại khóa, khe, rãnh soi, cùm và kim loại...
Khu vực ngục tù được phân thành 4 khu A, B, C, D, với mỗi khu phục vụ một mục đích cụ thể:
- Khu A, B: Dành cho giữ các phạm nhân đang được điều tra, phạm nhân không quan trọng hoặc những người vi phạm kỷ cương của nhà tù.
- Khu C: Dành cho tù nhân Pháp hoặc ngoại quốc.
- Khu D: Dành cho phạm nhân đang chờ thụ án tử hình.
Những bức tường xung quanh mỗi khu vực cao 4m, dày 0,5m, được trang bị mảnh chai nhọn và dây điện áp cao để ngăn chặn những cuộc vượt ngục của người tù binh chính trị. Bên trong là đoạn đường gạch rộng 3m, có lính canh gác và tuần tra liên tục. Bốn góc của Nhà tù Hoả Lò có 4 tháp canh, mang lại tầm nhìn toàn cảnh trong và ngoài nhà tù.
Cấu trúc ngục tù được xây dựng rất chắc chắn, hơn một thế kỷ trôi qua những bức tường đá vẫn đứng vững trên đường phố Hoả Lò. Ngày nay, diện tích của Nhà tù Hỏa Lò chỉ còn khoảng hơn 2.400m2 được bảo tồn và chuyển đổi thành địa điểm du lịch tưởng niệm (dark tourism).
Ác mộng máy chém thời Trung Cổ, nơi “địa ngục của địa ngục” - Cachot
Qua nhiều năm hoạt động, Nhà tù Hoả Lò đã trở thành nơi giam cầm, tra tấn và ép cũng nhiều chiến sĩ cách mạng bằng những hình thức tàn nhẫn và ám ảnh bậc nhất trong lịch sử. Trong đó phải kể đến Cỗ máy chém - thứ đã, đã đưa Nhà tù Hoả Lò lọt vào danh sách top 10 nhà tù đáng sợ nhất thế giới.
Cỗ máy chém được thiết kế theo hình thức tử hình thời Trung Cổ, có chiều cao 4 mét. Nó bao gồm 2 cột sắt giữ một lưỡi dao lớn cố định ở trên bằng chốt. Phía dưới là 2 hình bán nguyệt cố định đầu của tử tù, dưới cùng là một hộc sắt để rơi đầu tử tù vào, kế bên là thùng mây đan dùng để đựng thi thể. Tháng 1 năm 1930, 13 chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã bị thi hành án tử sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, trong đó có Nguyễn Thái Học.
Cỗ máy chém được biết đến như một vũ khí tra tấn đã góp phần tạo ra "tên tuổi" về độ tàn nhẫn của thực dân Pháp ở Nhà tù Hoả Lò. Hiện nay, nó vẫn được bảo quản và trưng bày để giới thiệu cho du khách tham quan.
Ngoài cỗ máy chém, Nhà tù Hoả Lò còn nổi tiếng với khu vực giam cầm đáng sợ khác, được gọi là Cachot (ngục tối). Nó được mệnh danh là "địa ngục của địa ngục", chủ yếu để giam giữ những tù nhân nguy hiểm, vi phạm luật lệ hoặc chống đối cố ý. Cachot nổi tiếng với không gian chật chội, tối tăm, không khí kém và những hình thức tra tấn độc ác. Nhắc đến Cachot, tất cả tù nhân đều cảm thấy bủn rủn bởi không gian chật hẹp, tối tăm, thiếu không khí cùng những hình phạt tra tấn tàn bạo như đánh đập, gông cùm, ăn ngủ, vệ sinh tại chỗ. Sống trong điều kiện khắc nghiệt đó, cùng với sự thiếu ánh sáng mặt trời, không gian ẩm ướt và chật hẹp, hầu hết tù nhân đã trải qua đều bị phù nề, ghẻ lở và thậm chí là tình trạng điên loạn.
Bên cạnh cỗ máy chém và Cachot, Nhà tù Hoả Lò còn tồn tại những hình thức tra tấn dã man khác như giật điện, nhục hình bằng ba toong và công việc lao động nặng nề ở nơi ở của giám ngục và trên chiến trường.
Với cấu trúc kiên cố và hình thức đàn áp, tra tấn kinh hoàng khiến thực dân Pháp luôn tự hào nói về Nhà tù Hỏa Lò là nơi "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Tuy nhiên, cũng có những cuộc vượt ngục thành công của tử tù hay những buổi tuyên truyền cách mạng, lớp lý luận chính trị vẫn được các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tổ chức âm thầm.
Sau sự kiện giải phóng thủ đô vào ngày 10/10/1954, Nhà tù Hoả Lò đã chuyển quyền quản lý sang tay Chính phủ Việt Nam và tiếp tục đóng vai trò là nơi giam giữ tù binh phi công Mỹ cho đến năm 1973. Những phi công Mỹ này thường châm biếm ngục tù bằng cái tên "Khách sạn Hanoi Hilton."
Ngày nay, Nhà tù Hoả Lò trở thành một di tích lịch sử đặc biệt, là minh chứng lịch sử cho những gì đã xảy ra trong một giai đoạn khó khăn, đồng thời là biểu tượng của ý chí kiên cường và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đối với thế hệ trẻ lớn lên trong hòa bình, Hoả Lò là một địa điểm giáo dục về truyền thống yêu nước và lịch sử, giúp họ thấu hiểu, cảm phục và biết ơn những người anh hùng đã ngã xuống.
Trong hai năm gần đây, Nhà tù Hoả Lò đã trở thành điểm đến lịch sử phổ biến nhất với giới trẻ nhờ vào sự lan truyền mạnh mẽ trên các mạng xã hội với những nội dung thú vị và theo xu hướng. Từ các nhóm trên Facebook cho đến các podcast trên Spotify, Hoả Lò đều thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đội ngũ truyền thông và quản lý di tích Hỏa Lò còn tổ chức các chương trình tham quan kết hợp nghệ thuật và lịch sử, phục vụ đa dạng lứa tuổi của du khách.
Xử nghiêm chủ nhà tự chuyển nhà ở sang kinh doanh không đảm bảo PCCC
Việt Nam có một ‘nhà tù không lối thoát’, được xây theo hình trận đồ bát quái