Trong trường hợp nhà tuyển dụng hỏi về mức độ, thời gian có thể gắn bó với công ty, những người EQ cao sẽ biết cách trả lời khôn ngoan.
Nhiều người phải chuyển công ty, thậm chí chuyển công việc, bắt đầu những hành trình mới. Lúc này, họ sẽ phải tham gia những buổi phỏng vấn xin việc với các nhà tuyển dụng. Tại đây, cả bạn và nhà tuyển dụng sẽ có thời gian hỏi han, trò chuyện và hiểu về nhau hơn. Đặc biệt, phía công ty nào cũng sẽ có những câu hỏi cụ thể cho bạn để hiểu rõ hơn về bạn. Lúc này, nếu như bạn không biết cách trả lời thì tỷ lệ trúng tuyển của bạn sẽ giảm đi, thậm chí còn không được tuyển dụng.
Khi nhà tuyển dụng thắc mắc: "Nếu có cơ hội trúng tuyển, bạn sẽ làm việc trong công ty bao lâu?" nhiều người không thực sự tự tin để trả lời. Những người có trí tuệ cảm xúc thấp thậm chí còn lúng túng ra mặt, không biết nói thế nào cho phải. Những biểu hiện này khiến bạn trở nên mất điểm trong cảm nhận của người tuyển dụng, có thể làm bạn mất đi cơ hội làm việc tại đây.
Người thông minh sẽ có cách trả lời làm hài lòng nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Internet
Trong khi đó, những người có trí tuệ cảm xúc cao chắc chắn sẽ dùng 3 "chìa khóa" sau để trả lời câu hỏi trên thật tinh tế.
1. Giữ thái độ bình tĩnh, luôn nở nụ cười
Phỏng vấn là buổi gặp gỡ đầu tiên của ứng viên với nhà tuyển dụng. Bởi vậy dù trong hoàn cảnh nào, gặp câu hỏi "hóc búa" ra sao, bạn cũng cần giữ 1 thái độ bình tĩnh và thoải mái để đáp lại. Ngay cả khi bị người tuyển dụng hỏi câu bất ngờ, bạn cũng không nên thể hiện thái độ lo lắng hay bối rối. Đây là cách để nhà tuyển dụng đánh giá bạn là người chuyên nghiệp, gây ấn tượng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ sẵn sàng tâm lý để đối mặt với mọi câu hỏi khó từ công ty. Vì vậy họ sẽ không vì những câu hỏi khó trả lời mà trở nên lúng túng.
2. Không xác định thời gian cụ thể
Chúng ta không thể nào nói trước tương lai. Vậy nên trước câu hỏi từ nhà tuyển dụng, người khôn ngoan sẽ không đưa ra thời gian cụ thể nào cả. Họ sẽ trả lời bằng 1 mốc thời gian hoặc tạo niềm tin với nhà tuyển dụng bằng cách thể hiện quyết tâm gắn bó của mình. Đây không phải câu hỏi ép bạn phải nói ra thời gian mình gắn bó mà nhà tuyển dụng chỉ muốn "thăm dò" quyết tâm, sự nghiêm túc của bạn với công việc mà thôi.
Vậy nên những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ tự tin mà trả lời: "Tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để chúng ta nói về chuyện tương lai. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây là môi trường phù hợp với bản thân. Vì vậy, tôi luôn tự nhủ sẽ nghiêm túc, tâm huyết với công việc từ khi bắt đầu làm việc trong cơ quan. Vậy nên tôi nghĩ thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi của nhà tuyển dụng."
Bạn không nên giữ tâm lý sợ sệt, lo lắng khi phỏng vấn mà cần tự tin để xử lý tình huống 1 cách thông minh. Ảnh minh họa: Internet
"Tôi có tìm hiểu và biết được rằng chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của công ty rất ổn. Hơn nữa, bản thân tôi nhận thấy mình phù hợp với vị trí ứng tuyển này. Vì vậy, tôi mong muốn mình sẽ góp 1 phần công sức để cơ quan ngày càng phát triển và có thể gắn bó với công ty càng lâu càng tốt" - Đây cũng là kiểu đối đáp khôn ngoan mà người có trí tuệ cảm xúc cao thường xuyên áp dụng.
3. Chuyển hướng câu chuyện
Sau khi đã trình bày những quan điểm của mình, người khôn ngoan sẽ không để nhà tuyển dụng suy nghĩ mãi về điều đó. Họ sẽ nhanh chóng chuyển hướng câu chuyện để bước sang các vấn đề tiếp theo mà cả nhà tuyển dụng và bản thân đang quan tâm. Đây cũng là cách ứng xử khôn khéo, tinh tế của ứng viên, thể hiện họ là người có trí tuệ cảm xúc cao.