Những đóng góp của Cụ trong công cuộc điều hành đất nước, cộng tác chặt chẽ với những người cộng sản được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao.
Một trong "tứ hổ" đất Quảng
Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, thuở nhỏ có tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên. Huỳnh Thúc Kháng bắt đầu học chữ Nho từ năm 7 tuổi, 13 tuổi đã có tiếng văn hay, chữ tốt. Năm 1900, Cụ dự thi Hương và đậu Giải Nguyên; năm 1904, đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.
Học giỏi, đỗ cao, sớm nổi tiếng, được coi là một trong “tứ hổ” của đất Quảng (cùng Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Hiến và Phạm Liệu) nhưng Huỳnh Thúc Kháng không ra làm quan, bởi lẽ nước đã mất, quan lại triều đình đã một bề chịu khuất phục giặc ngoại xâm. Trong không khí sôi động của các phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân chống ách thống trị và áp bức của thực dân phong kiến, Huỳnh Thúc Kháng đã sớm gặp gỡ những người bạn đồng chí hướng như Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp. Sau này, bộ ba đó đã trở thành linh hồn của phong trào yêu nước sôi nổi thấm đượm tư tưởng "duy tân" mà đỉnh cao là phong trào chống thuế của nông dân nghèo ở các tỉnh miền Trung.
Lo sợ trước sức mạnh của quần chúng nông dân, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, hành hình Trần Quý Cáp, đày Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo. 13 năm sau, Cụ Huỳnh mới được trở về đất liền.
Tháng 7/1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được cử làm Viện trưởng. Tuy nhiên, khi Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ đưa ra những thỉnh cầu nhằm sửa đổi một số điều luật nhằm giảm thuế rượu, thuế muối, phổ cập chữ quốc ngữ… thì bị chính quyền thực dân thẳng thừng bác bỏ. Từ đây, đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa Cụ với tên khâm sứ Trung Kỳ. Sau cuộc tranh luận đó, Cụ tuyên bố từ chức Viện trưởng.
Rời bỏ chính trường, Huỳnh Thúc Kháng tập hợp những người tiến bộ để thành lập tờ báo Tiếng Dân - xuất bản tại Huế. Với 16 năm hoạt động, Tiếng Dân thực sự là cơ quan ngôn luận của dân chúng bênh vực quyền lợi cho mình. Tiếng Dân dũng cảm vạch trần sự xảo trá của chính quyền thực dân, công khai tuyên truyền tư tưởng cách mạng và hoạt động cách mạng của nhân dân, căm thù đế quốc, phong kiến, nâng cao giác ngộ chính trị cho quần chúng.
Ngay sau sự kiện phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp dựng nên Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và trao trả quyền độc lập giả hiệu cho Việt Nam, Cụ Huỳnh đã khước từ lời mời cộng tác của Bảo Đại cũng như sự tranh thủ của Hoàng thân Cường Để.
"Một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết"
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, mặc dù tuổi đã cao, Cụ Huỳnh đã ra Thủ đô theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý định “chỉ muốn ra gặp Cụ Hồ để bày tỏ một vài ý kiến”. Vào thời điểm nền độc lập non trẻ của dân tộc đang đứng trước những thử thách "ngàn cân treo sợi tóc", uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được Cụ Huỳnh ra tham chính. Chính uy tín của Cụ Huỳnh lại đóng góp đắc lực vào việc củng cố khối đoàn kết dân tộc, chặn đứng âm mưu phá hoại của kẻ thù.
Ngày 2/3/1946, khi trình danh sách Chính phủ liên hiệp kháng chiến để Quốc hội chuẩn y, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu Cụ Huỳnh là “một người đạo đức danh vọng mà toàn thể quốc dân ai cũng biết”.
Tháng 6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thăm nước Pháp, Người đã tin cậy giao phó chức Quyền Chủ tịch nước cho Cụ Huỳnh (khi đó đã 70 tuổi) với lời căn dặn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Dù tuổi đã cao nhưng Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã mang hết nhiệt tâm tranh đấu để giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc trước ngoại bang và ổn định chính trị của đất nước, góp phần ngăn chặn và đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại của các thế lực phản động. Là một người không đảng phái, với trách nhiệm của mình, Cụ Huỳnh đã kiên quyết trừng trị những kẻ phạm pháp, xâm phạm tài sản và tính mạng của nhân dân, đồng thời cũng là tội ác phá hoại khối đoàn kết dân tộc.
Những đóng góp của Huỳnh Thúc Kháng trong công cuộc điều hành đất nước, cộng tác chặt chẽ với những người cộng sản và tất cả các lực lượng yêu nước trong nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Huỳnh - Quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hiệp lực của quốc dân mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”.
Tháng 11/1946, trước nguy cơ chiến tranh đến gần, Quốc hội cải tổ lại Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, một lần nữa như Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với Quốc hội: “Kết quả có những vị có tài năng nhận lời mời tham gia Chính phủ như Cụ Huỳnh Thúc Kháng vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng vì tôi lấy đại nghĩa mà lưu cụ, cụ cũng gắng ở lại... ai nấy đều hứa cố gắng làm việc một lòng vì nước vì dân”.
Sau đó, cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ Trung ương đi kinh lý miền Trung. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
Hương ứng lời hịch cứu nước ấy, với tư cách Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng viết bức thư “Kêu gọi đồng bào phụ lão kháng chiến” trong đó nhấn mạnh: “Hãy tin tưởng vào Cụ Hồ Chí Minh, bậc yêu nước đại chí sĩ, kết chặt chẽ một khối quyết sống mái với kẻ thù”.
Ở tất cả những nơi cụ đi qua trên đường kinh lý, Huỳnh Thúc Kháng không biết mệt mỏi kêu gọi toàn dân đồng lòng kháng chiến, kiến quốc.
Tới Quảng Ngãi, Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng. Biết không qua khỏi, Cụ chu đáo gửi lời vĩnh quyết tới anh em binh sĩ, “những vị anh hùng vô danh của đất nước”; gửi điện “Kêu gọi anh em các đảng phái tôn giáo hãy đặt hết lòng tin tưởng vào Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng xuất chúng, vị anh hùng của dân tộc”.
Riêng với Bác Hồ, bức điện cuối cùng của Cụ gửi cho vị Chủ tịch nước Việt Nam độc lập hết sức cảm động: “Tôi bệnh nặng chắc không qua khỏi. Bốn mươi năm ôm ấp Độc lập và Dân chủ, nay nước đã được độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả. Chỉ tiếc không được gặp Cụ lần cuối cùng. Chúc Cụ sống lâu để dìu dát quốc dân lên đường vinh quang, hạnh phúc”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ trần ngày 21/4/1947 tại Quảng Ngãi, thọ 71 tuổi. Cả nước để tang cụ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt. Vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới toàn thể đồng bào để nêu gương:
“...Cụ Huỳnh là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập...”
Tham khảo:
- Huỳnh Thúc Kháng - một tấm gương hết lòng vì nước, vì dân - Báo Đảng Cộng sản Việt Nam
- Từ sự nghiệp Huỳnh Thúc Kháng, suy ngẫm về bài học trọng dụng nhân tài của Hồ Chí Minh - Tạp chí Tuyên giáo
- Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng - Báo Đại biểu Nhân dân
- Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng - Chân dung chính trị - Tạp chí Lý luận Chính trị
>> Thân thế vị tướng duy nhất làm Tư lệnh hai Binh chủng hiện đại bậc nhất của QĐND Việt Nam