Kiến thức

Vị Bộ trưởng từng là Chủ tịch đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn, được đặt tên cho nhiều con đường ở Việt Nam

Linh Chi 29/08/2024 08:17

Ngày nay, tên của ông được đặt cho các con đường lớn ở TP. Thủ Đức, TP. HCM, TP. Đà Nẵng và TP. Vũng Tàu như một sự tri ân và ghi nhớ những đóng góp của ông cho đất nước.

Kha Vạng Cân (1908 – 1982) sinh ra tại Chợ Lớn, nay là TP. HCM. Cha ông là cụ Kha Ư Phúc, người Việt gốc Hoa và thuộc tầng lớp tiểu tư sản thành thị. Ngay từ nhỏ, Kha Vạng Cân đã tỏ ra thông minh vượt trội, khiến gia đình tự hào với thành tích học tập xuất sắc.

Với tinh thần yêu nước mãnh liệt, ông đã bị đuổi học vì tham gia lễ truy điệu của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Khi đó, Kha Vạng Cân tự mình sang Pháp để tiếp tục học năm 1928 và đạt bằng kỹ sư tại Trường Công nghiệp quốc gia Aix năm 1933.

Kỹ sư Kha Vạng Cân. Ảnh: Internet

Kỹ sư Kha Vạng Cân. Ảnh: Internet

Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho hãng ô tô Renault. 2 năm sau, ông được bổ nhiệm làm đại diện của hãng bên cạnh Sở Hỏa xa Đông Dương và được hứa cấp quốc tịch Pháp cùng lương công chức Pháp. Tuy nhiên, ông đã từ chối và quyết định giữ quốc tịch Việt Nam.

Trong thời gian này, ông gia nhập nhóm Văn Lang, một nhóm tri thức yêu nước được đào tạo tại Pháp, bao gồm các bác sĩ Hồ Tá Khanh, Dương Tấn Tươi, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Nghiêm và Nguyễn Ngọc Bích…

Với tài năng và trí tuệ của mình, Kha Vạng Cân được vua Bảo Đại mời tham gia Hội đồng Cải cách Giáo dục tại Huế. Năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp và thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim, ông được bổ nhiệm làm Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn ở tuổi 37. Sau khi tham khảo ý kiến các trí thức yêu nước và nhận chỉ thị bí mật từ Xứ ủy Nam Kỳ, ông đã đồng ý nhận chức vụ này.

Để tranh thủ lực lượng quần chúng ở Nam Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ Minoda đã thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong với khẩu hiệu "Châu Á của người châu Á". Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ - Trần Văn Giàu, đã cử bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tham gia sáng lập và làm Chủ tịch của tổ chức này vào tháng 4/1945. Các thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong lúc đó bao gồm Huỳnh Tấn Phát, Kha Vạng Cân, Thái Văn Lung… đều là những chí sĩ, tri thức yêu nước, và được sự chỉ đạo trực tiếp từ Trần Văn Giàu cùng Nguyễn Thanh Sơn (Nguyễn Văn Tây).

Chỉ trong vòng 2 tuần, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Kha Vạng Cân cùng các thành viên khác đã tổ chức Thanh niên Tiền phong ở các tỉnh Nam Bộ. Họ cử các thủ lĩnh ở mỗi cấp, tổ chức các hoạt động quân sự, mít tinh tuyên thệ, biểu tình cùng nhiều buổi biểu diễn như ở Long Xuyên, Cần Thơ và Sài Gòn. Kỹ sư Kha Vạng Cân vừa là thủ lĩnh phong trào chung, vừa trực tiếp điều hành Thanh niên Tiền phong tại Chợ Lớn. Các buổi văn nghệ diễn kịch Đêm Lam Sơn, hát các ca khúc cách mạng như "Tiếng gọi sinh viên" và "Lên đàng" đã gây tiếng vang lớn tại miền Nam.

Bộ trưởng Kha Vạn Cân (thứ 2 từ phải qua) cùng các cán bộ miền Nam tại Hà Nội. Ảnh: Internet

Bộ trưởng Kha Vạn Cân (thứ 2 từ phải qua) cùng các cán bộ miền Nam tại Hà Nội. Ảnh: Internet

Với tư cách Đô trưởng Sài Gòn – Chợ Lớn, ông còn ra lệnh triệt hạ các tượng đài của Pháp tại Sài Gòn, bao gồm tượng đài viên sĩ quan hải quân Francis Garnier, Đô đốc Rigault de Genouilly, tượng Gambetta, Bá Đa Lộc... Đây là hành động mang ý nghĩa tượng trưng, đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn lịch sử đau thương.

Sau khi giành chính quyền không lâu, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp. Kỹ sư Kha Vạng Cân tham gia kháng chiến với vai trò chuyên viên cơ khí, Chủ tịch UBND Sài Gòn – Chợ Lớn (1946 - 1947), Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và Giám đốc Sở Kinh tế Nam Bộ cho đến khi tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneva (1954). Tại miền Bắc, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ từ năm 1960 đến năm 1975.

Năm 1976, ông trở về TP. HCM và đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Khoa học - Kỹ thuật của thành phố. Ngày nay, tên của Kha Vạng Cân được đặt cho các con đường lớn ở TP. Thủ Đức, TP. HCM, TP. Đà Nẵng và TP. Vũng Tàu như một sự tri ân và ghi nhớ những đóng góp của ông cho đất nước.

>> Danh nhân duy nhất được đặt tên cho 8 ngôi trường chuyên ở Việt Nam

Bộ trưởng Y tế phản hồi bất cập người mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị ngoài giờ

Ngôi trường không chuyên ở TP.HCM 20 năm liền giữ 'ngôi vương' điểm chuẩn, mang tên nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-bo-truong-tung-la-chu-tich-dau-tien-cua-sai-gon-cho-lon-duoc-dat-ten-cho-nhieu-con-duong-o-viet-nam-d131670.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vị Bộ trưởng từng là Chủ tịch đầu tiên của Sài Gòn – Chợ Lớn, được đặt tên cho nhiều con đường ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH